Khi mất đi một người thân, bạn phải học cách sắp xếp lại cuộc sống và những thói quen của mình, bao gồm cả giấc ngủ. Có rất nhiều người mắc chứng khó ngủ và mất ngủ khi phải trải qua nỗi đau mất mát này. Bài viết dưới đây sẽ đề cập về giấc ngủ sau nỗi đau mất đi người thân để người ở lại có thể nhẹ lòng chấp nhận và học cách chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Diễn biến tâm trạng của người mới mất đi người thân
Sau các nghiên cứu thực tế trên chính bệnh nhân của mình, nhà tâm lý học Kubler Ross đã đưa ra kết luận rằng con người sau khi mất đi người thân sẽ trải qua 5 giai đoạn cảm xúc gồm:
- Chối bỏ: sau khi mất đi người thân, người ở lại có thể vẫn chưa chấp nhận được sự thật này, cảm giác như chết lặng, thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Thời gian chủ yếu lúc này sẽ dành để gặm nhấm nỗi buồn hoặc một số người làm mình trở nên bận rộn để trì hoãn cảm giác đau lòng này.
- Giận dữ: Xu hướng trút hết nỗi buồn lên người xung quanh hoặc chính bản thân. Nó giống với hành động đổ lỗi để vơi bớt cảm giác đau thương.
- Hứa hẹn: Để giảm bớt cảm giác mất mát đau thương, bạn có xu hướng tự hứa sẽ thay đổi bản thân trở nên tốt đẹp hơn hoặc trân trọng những ký ức về người ấy. Nó được xem là nỗ lực đầu tiên của bạn để giữ bình tĩnh trước nỗi đau.
- Buồn bã: Đây là cảm xúc tất yếu dù đã cố gắng quên đi. Bạn có thể rơi vào trạng thái như thờ ơ với bản thân, ăn và ngủ quá nhiều hoặc quá ít, sống cô lập.
- Chấp nhận: Bạn bắt đầu chấp nhận sự thật, rằng người thân đã mất nhưng bạn vẫn tiếp tục phải sống. Lúc này, nội tâm đã bắt đầu tìm thấy sự bình yên, những ký ức ùa về nhưng cảm giác trong bạn đã dễ chịu hơn, bạn bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ mới.
Biểu hiện sức khỏe của người trải qua nỗi đau mất mát người thân
Đau buồn không chỉ xuất hiện với các triệu chứng về tinh thần, cảm xúc mà còn đi kèm với những cơn ác mộng và tình trạng sức khỏe đi xuống. Nhìn chung, nhiều người sẽ cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Các vấn đề này có thể đến từ hậu quả của việc ngủ không đủ.
Bên cạnh đó, cảm giác khô miệng, khó thở hoặc đau tức ở ngực cũng được ghi nhận. Đối với một người vừa trải qua biến cố này, họ có thể gặp một số thay đổi trong thói quen ăn uống và nhạy cảm với tiếng ồn. Tất cả những triệu chứng kể trên sẽ tác động lên giấc ngủ sau nỗi đau mất người thân, khiến việc vào giấc trở nên khó khăn hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn dẫn đến hệ lụy phổ biến nhất là mất ngủ.
Sự khác nhau giữa cảm giác đau buồn và trầm cảm sau khi mất người thân
Có nhiều người vì quá đau buồn sau khi mất người thân nên rơi vào trạng thái trầm cảm mà không hay biết. Ngược lại, cũng có người chỉ là quá đau buồn nhưng lại bị nhầm là trầm cảm sau khi mất người thân. Dưới đây là một số điểm khác biệt có thể thấy rõ:
- Người đau buồn có biến động tâm trạng, trong khi đó, người bị trầm cảm lúc nào cũng cảm thấy xuống tinh thần.
Người bị trầm cảm luôn cảm giác bản thân không xứng đáng hoặc chán ghét bản thân. Đây là cảm giác mà người đau buồn không có.
- Người bị trầm cảm có thể bị ảo giác như nghe thấy âm thanh không có, nhìn thấy vật không tồn tại, v.v. , trong khi người đau buồn không xuất hiện triệu chứng này.
- Người bị trầm cảm thường tách biệt hoàn toàn với người thân và xã hội. Trong khi đó, người đau buồn có thể né tránh mọi người nhưng vẫn chấp nhận sự hỗ trợ của người thân quen.
Hội chứng tâm lý đau buồn quá mức
Nỗi đau do mất mát thường sẽ thuyên giảm sau 6 tháng đầu tiên. Những người có biểu hiện đau buồn vượt qua mốc 6 tháng có thể đang trải qua hội chứng tâm lý đau buồn quá mức. Họ có thể cần sự giúp đỡ chuyên sâu để giảm bớt các triệu chứng.
Theo các bác sĩ, có nhiều dấu hiệu nhận biết để chỉ ra rằng một người sẽ có nguy cơ cao mắc chứng tâm lý đau buồn quá mức hay không. Đó là những người quá lệ thuộc vào sự hiện diện của người thân trong việc tìm kiếm mọi niềm vui và cảm xúc tích cực.
Việc dựa dẫm này khiến họ không thể tiến về phía trước, cảm giác như “mất đi cả thế giới”. Tương tự như vậy, những người từng có một quãng thời gian khó khăn để vượt qua nỗi đau mất người thân cũng cần thêm sự giúp đỡ để đối phó với nỗi đau tương tự sau này.
Cảnh báo nguy hiểm sức khỏe nếu chứng mất ngủ kéo dài liên tục
Trong nỗi buồn, nhiều người sợ hãi giấc ngủ sau nỗi đau mất người thân. Mất ngủ là điều mà những người ở lại thường gặp phải. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe. Ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì hoặc chứng lo lắng. Trong một số trường hợp, mất ngủ mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư do sự gián đoạn của nhịp sinh học và thay đổi hệ thống miễn dịch cũng như hormone.
Theo Psychology Today, những người mắc chứng mất ngủ mãn tính nhưng không tìm kiếm sự điều trị kịp thời có nguy cơ mắc tai nạn nghề nghiệp cao gấp 1.9 lần và khả năng bị tai nạn tổng quan cao gấp 1.5 lần bình thường.
Một số người có thể chuyển sang các phương pháp hỗ trợ giấc ngủ như dùng thuốc ngủ hoặc dùng rượu để cố gắng tự điều trị chứng mất ngủ mãn tính. Điều này không được các bác sĩ khuyến cáo vì nó sẽ dẫn đến nghiện và ngày càng thiếu ngủ. Thay vào đó, nên điều trị hành vi nhận thức để tìm lại giấc ngủ sau nỗi đau mất người thân.
Học lại cách ngủ sau khi trải qua nỗi đau mất người thân
Giảm ngủ ngắn, tránh uống rượu
Các giấc ngủ ngắn vào ban ngày và uống rượu để có thể ngủ không được khuyến khích thực hiện vì sẽ gây các vấn đề nghiêm trọng về rối loạn giấc ngủ. Mặc dù sau khi say bạn có thể ngủ nhưng bạn sẽ không cảm thấy khỏe khoắn sau khi thức dậy, nói cách khác bạn hoàn toàn không được nghỉ ngơi.
Vận động
Tập thể thao là một biện pháp chữa mất ngủ tự nhiên tuyệt vời nhất vì chúng giúp cơ thể thư giãn hơn và trở nên mệt mỏi khi đến giờ đi ngủ.
Viết nhật ký
Một số chuyên gia khuyên bạn nên viết nhật ký như một cách để loại đi những suy nghĩ và cảm xúc hỗn loạn. Thêm vào đó, nếu cần tới điều trị tâm lý thì đây sẽ là dữ liệu hữu ích cho bác sĩ để tạo phác đồ trị liệu cho bạn.
Sắp xếp lại phòng ngủ
Để ngủ sau nỗi đau mất người thân, hãy thử làm mới phòng ngủ của chính bạn, thậm chí là căn nhà của bạn. Việc xem xét xếp lại phòng như một cách để làm quen với cuộc sống mới không có người thân ở bên.
Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên sâu
Liệu pháp hành vi nhận thức là một trong những gợi ý hàng đầu trong việc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính. Hãy nói chuyện với bác sĩ tâm lý để tháo gỡ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với các vấn đề thuộc về cảm xúc, tâm lý, chúng ta thường khá chủ quan, không có thói quen tìm tới bác sĩ. Cho tới khi gánh nặng tâm lý này đề nặng lên sức khỏe gây ra hậu quả xấu thì chúng ta mới bắt đầu lo lắng. Do vậy, đừng chủ quan. Nếu cảm giác mất mát đau thương vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân thì bạn cần đi khám ngay. Một số biểu hiện bạn cần để ý để tìm sự trợ giúp kịp thời của bác sĩ gồm:
- Khó thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường
- Cảm giác mất đi mục đích sống
- Không còn muốn hòa nhập với xã hội
- Cảm giác không thể tiếp tục sống
Tinh thần kiệt quệ khiến chất lượng giấc ngủ sau nỗi đau mất người thân giảm sút. Theo đó, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Một vòng luẩn quẩn như thế khiến thể trạng của người ở lại hoàn toàn suy sụp. Hy vọng bạn có thể sớm chấp nhận nỗi mất mát này để bước tiếp cuộc sống của mình và trân trọng những người xung quanh.
Nguồn:
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/giu-vung-tam-trang-khi-mat-nguoi/
- https://www.sleepfoundation.org/physical-health/pain-and-sleep
- https://www.iowaclinic.com/sleep-center-west-lakes/how-to-get-better-sleep-when-youre-in-pain/
- https://www.sleepfoundation.org/mental-health/grief-and-sleep
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.