Ngưng thở khi ngủ là gì? Có nguy hiểm không? Cách chữa trị hiệu quả 

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ mà nhiều người thường ỷ y bỏ qua hoặc không hoàn toàn nhận thức được bản thân mình đang mắc bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như cao huyết áp, tim mạch. Đặc trưng của chứng ngưng thở khi ngủ nó sẽ khiến nhịp thở ngừng lại nhiều lần trong lúc ngủ, gây ra tiếng ngáy lớn và khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày dù đã ngủ đủ giấc. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là nam giới lớn tuổi bị thừa cân. Để có được cái nhìn tổng quát về chứng bệnh này, mời bạn đọc cùng Sleep.vn tìm hiểu ngay bài viết dưới đây. 

Chứng ngưng thở khi ngủ là gì? 

Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng xảy ra khi hơi thở của một người bị gián đoạn trong khi ngủ.

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng xảy ra khi hơi thở của một người bị gián đoạn trong khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ ngừng thở liên tục trong khi ngủ với tần suất có khi lên đến hàng trăm lần trong đêm. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra một số hệ luỵ về sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh cơ tim (phì đại mô cơ của tim), suy tim , tiểu đường và đau tim. 

Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra với khoảng 25% nam giới và gần 10% nữ giới, đặc biệt là người ở độ tuổi U50 và người thừa cân.

Có hai nguyên nhân chính gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, gồm nguyên nhân do tắc nghẽn đường thở và nguyên nhân do trung ương thần kinh. Trong đó: 

  • Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là phổ biến hơn cả. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra với tần suất lặp đi lặp lại suốt đêm, mức độ tắc nghẽn có thể trên toàn bộ hoặc một phần đường hô hấp trên. Trong cơn ngưng thở, cơ hoành và cơ ngực làm việc nhiều hơn do cơ thể cần nhiều lực để có thể mở được đường thở. Hơi thở lúc này thường đứt quãng, hổn hển hoặc cơ thể bị giật mạnh. Chúng khiến cho chất lượng giấc ngủ giảm đáng kể, đồng thời lưu lượng oxy đến các cơ quan quan trọng cũng giảm và gây loạn nhịp tim.
  • Nếu người bệnh bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, đường thở của họ không bị tắc nhưng não không phát tín hiệu cho các cơ thở hoạt động. Ngưng thở trung ương liên quan đến chức năng của hệ thần kinh trung ương, cụ thể trung tâm điều khiển hệ hô hấp. Bệnh này thường gặp ở những người gặp các tai nạn gây tổn thương não nghiêm trọng, 

Chứng ngưng thở khi ngủ gây nguy hiểm như thế nào? 

 người bệnh ngừng thở khi ngủ
Khi người bệnh ngừng thở khi ngủ, nhịp tim của họ có xu hướng giảm xuống, thời gian xảy ra càng lâu thì cơ thể càng bị thiếu oxy.

Khi người bệnh ngừng thở khi ngủ, nhịp tim của họ có xu hướng giảm xuống, thời gian xảy ra càng lâu thì cơ thể càng bị thiếu oxy. Khi này, bản năng sinh tồn tự nhiên sẽ trỗi dậy, nó tạo thành phản xạ không tự chủ khiến người bệnh giật mình tỉnh giấc để tiếp tục thở. Khi điều này xảy ra, nhịp tim và huyết áp có xu hướng tăng nhanh. 

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu chịu những tác động mãn tính do chứng bệnh này gây ra. Chẳng hạn huyết áp có xu hướng tăng lên, thành tim dày hơn do tim phải làm việc nhiều để bơm máu đi khắp cơ thể trong tình trạng thiếu oxy, từ đó khiến cấu trúc của tim thay đổi. Nó có xu hướng trở nên cứng hơn và kém linh hoạt hơn vì có nhiều tế bào sợi phát triển hơn ở giữa các tế bào cơ.Tất cả những điều đó làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp nhĩ nhanh hoặc rối loạn nhịp thất nhanh. Về lâu dài, chứng ngưng thở khi ngủ sẽ làm giảm chức năng của tim, gây suy tim, loạn nhịp tim. Nếu bạn bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu báo động liên quan tới tim mạch thì không nên chậm trễ thăm khám chữa bệnh. 

Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ cũng khiến chất lượng giấc ngủ bị giảm đi đáng kể, từ đó dẫn đến giảm năng suất làm việc, thậm chí gặp tai nạn giao thông hoặc các bệnh tâm lý nghiêm trọng. 

Nguyên nhân và dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, thường xảy ra khi mô mềm ở phía sau cổ họng bị sụp xuống khi người bệnh ngủ. Chứng ngưng thở ngủ trung ương thường được quan sát thấy ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như sau một cơn đột quỵ hoặc ở những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh cơ như xơ cứng teo cơ bên (ALS, bệnh Lou Gehrig). Chứng bệnh này cũng phổ biến ở những bệnh nhân bị suy tim và thận hoặc phổi.

Thường thì những dấu hiệu đầu tiên của chứng ngưng thở khi ngủ không được nhận biết bởi chính bản thân người bệnh mà bởi người ngủ cạnh họ. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, thường xảy ra khi mô mềm ở phía sau cổ họng bị sụp xuống khi người bệnh ngủ.
  • Ban ngày thường cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi 
  • Ngủ ngáy 
  • Thường xuyên trằn trọc
  • Thức giấc đột ngột với hơi thở thở hổn hển hoặc cảm thấy nghẹt thở.
  • Khô miệng hoặc đau họng khi thức giấc
  • Suy giảm nhận thức, chẳng hạn như khó tập trung, hay quên hoặc cáu kỉnh
  • Rối loạn tâm trạng (trầm cảm hoặc lo âu)
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Thường xuyên đi tiểu đêm
  • Giảm ham muốn tình dục 
  • Nhức đầu 

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương thường báo cáo những lần tỉnh giấc hoặc mất ngủ tái diễn. Một số người bệnh cũng gặp triệu chứng bị nghẹt thở hoặc thở hổn hển khi thức giấc.

người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương
Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương thường báo cáo những lần tỉnh giấc hoặc mất ngủ tái diễn.

Một số phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ hiệu quả nhất hiện nay 

Điều trị không dùng thuốc: Trong những trường hợp nhẹ, người bệnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở thì một số gợi ý dưới đây sẽ giúp ích cho họ: 

  • Giảm cân: Việc thừa cân sẽ làm cho lượng mỡ trong cổ họng tăng lên, gây tắc ngẽn đường thở trong khi ngủ, chính vì thế, giải pháp hữu hiệu nhất cho người thừa cân mắc chứng ngưng thở khi ngủ là giảm cân nặng về con số hợp lý. 
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá: Thậm chí là thuốc ngủ vì một số loại thuốc cũng khiến chứng ngưng thở khi ngủ thêm trầm trọng. Nguyên do là bởi chúng khiến các cơ vòm họng yếu đi, đường thở dễ bị xẹp xuống, kéo dài thời gian khi một đợt ngưng thở diễn ra. 
  • Ngủ nghiêng: Ở một số bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở nhẹ, tình trạng ngừng thở chỉ xảy ra khi người bệnh ngủ ngửa. Trong những trường hợp như vậy, họ có thể chuyển sang ngủ nằm nghiêng. 
  • Sử dụng thuốc xịt mũi/thông xoang: Phương pháp này hiệu quả với những người có vấn đề về xoang hoặc nghẹt mũi, giúp giảm tình trang ngủ ngáy và thông đường thở. 
Phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ hiệu quả

Điều trị cơ học: Liệu pháp Áp lực Đường thở Tích cực (PAP) là phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến nhất dành cho hầu hết những người bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nặng. Với liệu pháp PAP, bệnh nhân được đeo mặt nạ thở chụp mũi hoặc miệng hoặc cả 2. Máy sẽ bơm không khí qua mũi và/hoặc miệng. Áp suất không khí được điều chỉnh sao cho vừa đủ để ngăn các mô ở đường thở trên không bị xẹp xuống trong khi ngủ. Liệu pháp PAP ngăn chặn tình trạng đường thở bị đóng lại khi người bệnh ngủ nhưng các cơn ngưng thở sẽ quay trở lại khi họ ngừng sử dụng PAP hoặc sử dụng không đúng cách. Trong các thiết bị PAP thì máy CPAP (Áp suất đường thở dương liên tục) được sử dụng rộng rãi nhất. Đây là một phương pháp hỗ trợ hô hấp ở bệnh nhân còn tự thở bằng cách duy trì dòng khí hằng định áp lực dương liên tục suốt chu kỳ thở.

Thiết bị nâng cao hàm dưới: Đây là những thiết bị dành cho những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ nhẹ đến trung bình. Thiết bị này giúp ngăn lưỡi chặn cổ họng, từ đó giúp đường thở luôn mở trong khi ngủ. 

Máy kích thích thần kinh hạ vị: Máy kích thích được cấy dưới phần da ở lồng ngực bên phải với các điện cực được kết nối đến dây thần kinh hạ vị ở cổ và các cơ liên sườn (giữa hai xương sườn) ở ngực. Thiết bị được bật trước khi đi ngủ bằng điều khiển từ xa. Với mỗi nhịp thở, dây thần kinh hạ vị được kích thích, khiến lưỡi di chuyển về phía trước giúp mở rộng đường thở. 

Phẫu thuật: Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Thông thường là do người bệnh có mô thừa hoặc dị dạng cản trở luồng không khí qua mũi hoặc họng, chẳng hạn như vách ngăn mũi bị lệch, amidan to rõ rệt. Việc phẫu thuật thường được thực hiện sau khi người bệnh đã thử qua tất cả các biện trên. Một số dạng phẫu thuật giúp loại bỏ tình trạng ngưng thở khi ngủ là: 

  • Somnoplasty là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để làm giảm các mô mềm trong đường thở trên.
  • Cắt amidan là một thủ thuật loại bỏ các mô amidan ở phía sau cổ họng, nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn ở trẻ bị ngưng thở khi ngủ.
  • Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP) là một thủ thuật loại bỏ mô mềm ở mặt sau của cổ họng và vòm miệng, làm tăng chiều rộng của đường thở ở cửa họng.
  • Phẫu thuật nâng cao hàm dưới / hàm trên là phẫu thuật điều chỉnh một số bất thường trên khuôn mặt hoặc các chướng ngại vật ở cổ họng gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một thủ thuật xâm lấn dành riêng cho những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng với các bất thường ở phần đầu – mặt.
  • Phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi.

Hy vọng những thông tin Sleep đã chia sẻ sẽ giúp bạn giải đáp được tất cả các thắc mắc liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. Trên đây là những kiến thức tham khảo, để có được lựa chọn điều trị phù hợp nhất, bạn nên lắng nghe tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn. 

Nguồn tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8718-sleep-apnea

 

SubScribe

Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.