Trong vài thập kỷ qua, khoa học giấc ngủ đã có những bước phát triển vượt bậc, cho thấy tầm quan trọng sâu rộng của giấc ngủ đối với hầu hết mọi hệ thống cơ thể. Khi nghiên cứu đã đi sâu hơn vào mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe thể chất, người ta nhận ra rằng giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Sau đây, Sleep.vn mời quý độc giả cùng tham khảo bài viết bên dưới để biết được nhiều thông tin hơn về vấn đề này.
Hệ thống miễn dịch là gì?
Hệ thống miễn dịch được người trong ngành gọi với thuật ngữ “Immune System”. Nó là một mạng lưới gồm các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng tồn tại để cùng nhau bảo vệ con người chống lại những tác nhân gây hại trong môi trường xung quanh như vi khuẩn và vi trùng.
Bạch cầu là tế bào có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ miễn dịch, gồm 3 loại: bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu lympho. Chúng có nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt “những kẻ xâm lược” gây hại cho sức khỏe. Quá trình này được thực hiện thông qua các bước được gọi là phản ứng miễn dịch.
Không giống như hệ thần kinh, hệ miễn dịch phức tạp hơn nhiều và phân bố ở khắp các nơi trong cơ thể, bao gồm:
- Da
- Lá lách
- Tủy xương
- Amidan cổ họng
- Hệ thống tiêu hóa
- Hạch bạch huyết
- Niêm mạc mũi, họng và bộ phận sinh dục
Mối quan hệ giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch
Giấc ngủ tác động đến hệ thống miễn dịch
Giấc ngủ, miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi
Ngủ là một giai đoạn quan trọng của cơ thể để nghỉ ngơi và phục hồi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ đóng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Trên thực tế, việc ngủ góp phần vào cả khả năng miễn dịch bẩm sinh và khả năng thích nghi.
- Miễn dịch bẩm sinh có từ khi con người được sinh ra và dần phát triển theo tuổi đời của họ. Hệ miễn dịch này sẽ đóng vai trò là “hàng tiền vệ”, tấn công các yếu tố gây hại ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
- Miễn dịch thích ứng là loại miễn dịch được hình thành khi chúng ta đã tiếp xúc với mầm bệnh hay tiêm vắc-xin. Lúc này, cơ thể một lượng kháng thể vừa đủ để chiến đấu với các mầm bệnh khác nhau. Quá trình này có tên là tạo bộ nhớ miễn dịch.
Nếu như giấc ngủ có thể giúp não củng cố khả năng học tập và trí nhớ, nghiên cứu cho thấy rằng nó cũng giúp tăng cường “bộ nhớ miễn dịch”. Các chuyên gia không chắc chắn lý do tại sao quá trình này diễn ra trong khi ngủ, nhưng người ta tin rằng có một số yếu tố liên quan như:
- Trong khi ngủ, nhịp thở và hoạt động của cơ chậm lại, giải phóng năng lượng cho hệ thống miễn dịch để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này.
- Tình trạng viêm có thể gây hại cho hoạt động thể chất và tinh thần nếu nó xảy ra trong lúc bạn thức. Do đó, cơ thể đã phát triển để các quá trình này diễn ra trong giấc ngủ hàng đêm.
- Melatonin, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ được sản xuất vào ban đêm, có khả năng chống lại căng thẳng do viêm gây ra.
Giấc ngủ và vắc-xin
Vắc-xin hoạt động bằng cách đưa vào cơ thể một kháng nguyên bị suy yếu hoặc vô hiệu hóa, kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo đó, nó “dạy” cho hệ thống miễn dịch cách nhận biết hiệu quả và tấn công kháng nguyên một cách chính xác nhất.
Giấc ngủ là một yếu tố quan trọng giúp kiểm tra tính hiệu quả của vắc-xin. Các nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh viêm gan và cúm lợn (H1N1) đã phát hiện ra rằng, khi mọi người không ngủ đêm sau khi tiêm vắc-xin, phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ yếu hơn. Trong một số trường hợp, điều này làm giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin và thậm chí phải tiêm thêm liều thứ hai.
Không chỉ “thức trắng đêm”, tình trạng thiếu ngủ cũng khiến cho vắc-xin bị giảm hiệu quả sau khi tiêm ngừa. Ngủ không đủ giấc đồng nghĩa với việc không cho cơ thể đủ thời gian để phát triển trí nhớ miễn dịch, chính vì thế mà có nhiều người mặc dù đã được tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm bệnh.
Giấc ngủ và tình trạng dị ứng
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một số thứ không gây nguy hiểm đến tính mạng của hầu hết mọi người. Ngày nay, càng đi sâu tìm hiểu, người ta càng có nhiều bằng chứng về sự liên quan giữa giấc ngủ và dị ứng.
Nghiên cứu gần đây xác định nhịp sinh học có liên quan đến việc điều chỉnh phản ứng của cơ thể đối với các chất gây dị ứng. Khi nhịp sinh học bị gián đoạn (mất ngủ hoặc thiếu ngủ), nó có thể làm tăng khả năng xảy ra các tình trạng dị ứng và mức độ nghiêm trọng của chúng.
Hệ miễn dịch ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giữa giấc ngủ và hệ thống miễn dịch luôn tồn tại mối quan hệ 2 chiều. Trong khi giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, hệ thống miễn dịch cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ theo nhiều cách.
Nhiễm trùng có thể gây ra các phản ứng khác nhau từ hệ thống miễn dịch, bao gồm thiếu năng lượng và buồn ngủ. Đây là một trong những lý do tại sao người bị bệnh thường dành nhiều thời gian để ngủ hơn bình thường.
Bản chất của giấc ngủ cũng thay đổi trong quá trình lây nhiễm, biểu hiện rõ trong lượng thời gian dành cho các giai đoạn ngủ nhất định. Cụ thể, phản ứng miễn dịch tạo ra kéo dài giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM) ở giai đoạn ngủ sâu.
Giấc ngủ sâu khiến các quá trình trong cơ thể chậm lại, cho phép hệ thống miễn dịch sử dụng nhiều năng lượng hơn để chống lại nhiễm trùng.
Mất ngủ có khiến bạn bị bệnh không?
Thiếu ngủ có những ảnh hưởng đến sức khỏe trên diện rộng và nhiều bằng chứng chỉ ra rằng nó có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch khiến bạn dễ ốm hơn.
Thiếu ngủ hàng đêm có liên quan đến bệnh ngắn hạn và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hay các vấn đề về tim mạch. Các nhà nghiên cứu ngày càng tin rằng việc thiếu ngủ cản trở hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngủ không đủ giấc khiến bạn dễ bị cảm mạo hoặc cúm. Ngoài ra, những y bác sĩ làm việc tại khu vực cấp cứu (ICU) có thể bị cản trở quá trình chữa bệnh do thiếu ngủ.
Thiếu ngủ có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài và điều này được cho là do hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng. Ở những người có giấc ngủ lành mạnh, tình trạng viêm vào ban đêm sẽ thuyên giảm trước khi thức dậy, còn đối với những người không ngủ đủ giấc thì vẫn tiếp diễn gây đau đớn và mệt mỏi.
Mức độ viêm này gây ra nhiều hậu quả, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, đau đớn và thoái hóa thần kinh. Viêm dai dẳng cũng dễ gây ra trầm cảm, ung thư và khiến mức độ nghiêm trọng của các chứng bệnh này ngày càng gia tăng.
Thật không may, trong khi một số người cố gắng làm quen với việc thiếu ngủ, các nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch lại ra sức “bài xích” điều đó. Về lâu dài, tình trạng viêm này có thể trở thành mãn tính và làm suy giảm sức khỏe, khiến bạn dễ bị ốm hơn.
Cách cải thiện giấc ngủ và tăng cường miễn dịch
Cải thiện giấc ngủ thường bắt đầu bằng những cách rất đơn giản như:
- Đi ngủ theo lịch trình nhất định
- Cải thiện môi trường ngủ với hệ thống đèn, rèm cửa, bộ chăn ga gối nệm chất lượng,…
- Tránh sử dụng điện thoại, máy tính bảng, laptop trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút
- Rèn luyện thói quen thiền định và luôn giữ một tâm trí thoải mái nhất khi ngủ
- Nếu bạn có vấn đề về giấc ngủ mãn tính hoặc nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ để có lời khuyên đúng đắn nhất
Đối với hệ thống miễn dịch, cũng có rất nhiều giải pháp để cải thiện như:
- Duy trì các hoạt động thể thao như tập thể dục dưỡng sinh, tập yoga, đi bộ, tập gym,…
- Ăn uống lành mạnh, áp dụng thực đơn có nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa, kháng sinh, tăng cường miễn dịch
- Không lạm dụng rượu, bia, các thức uống có chứa cafein
- Luôn giữ cho tinh thần lạc quan và hạnh phúc
Kết luận
Giấc ngủ có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến khả năng miễn dịch của cơ thể và ngược lại. Cả 2 đều tương trợ nhau nhưng cũng chính vì thế mà khi một quá trình không diễn ra suôn sẻ, quá trình còn lại sẽ gặp trục trặc và khiến cơ thể dễ bị bệnh. Do đó, hãy luôn đảm bảo mình có giấc ngủ chất lượng và khả năng miễn dịch tốt bằng thói quen sống lành mạnh bạn nhé!
Nguồn tham khảo:
- https://www.sleepfoundation.org/physical-health/how-sleep-affects-immunity
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/he-mien-dich-la-gi-tam-quan-trong-cua-he-mien-dich/
- https://ngungonsongtron.com/anh-huong-cua-giac-ngu-den-kha-nang-mien-dich/
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.