Trong tiếng Anh, hiện tượng bóng đè có tên là sleep paralysis. Bóng đè là cụm từ khá quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Thi thoảng người ta lại kể việc việc “bị bóng đè” khi ngủ. Đó là khi bạn đang ngủ nhưng cảm giác như bị người lạ đè ngực, khó thở, tâm trí tỉnh thức mà lại không thể ngồi dậy phản kháng được. Nghe thật vô lý nếu bạn chưa từng trải qua. Thế nhưng, đây là hiện tượng có thật mà không ít người đa gặp phải. Có người cho rằng bóng đè liên quan đến ma quỷ. Thế nhưng thực hư nguyên nhân của bóng đè là gì? Hãy cùng Sleep tìm hiểu nhé.
Hiện tượng bóng đè là gì?
Với những ai chưa từng bị bóng đè thì có thể hình dung đơn giản đây là một hiện tượng gián đoạn xảy ra trong quá trình ngủ. Lúc này, bạn nhận thức được không gian xung quanh, tâm trí tỉnh nhưng lại không thể cử động hay phát ra tiếng nói được, giống như bị ai đó chặn lại. Quan niệm xưa cho rằng chỉ những ai yếu bóng vía thì mới bị bóng đè. Thế nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bóng đè không phù thuộc vào yếu tố “yếu bóng vía” mà ai cũng có thể bắt gặp. Cứ 10 người thì có khoảng 4 người từng trải qua cảm giác bị bóng đè.
Biểu hiện khi bị bóng đè
Ngoài biểu hiện chính chính là không thể nói, hoạt động bình thường khi đầu óc tỉnh, bóng đè còn kèm theo một số biểu hiện thường thấy như toát mồ hôi, khó thở, đau nhức cơ thể, tức ngực…. Đây là những phản ứng của cơ thể khi bạn cảm nhận dường như có nguồn nguy hiểm đang ở gần. Song, cơ thể bạn lại không thể hoạt động như bình thường dẫn đến tâm lý sợ hãi, hoảng loạn gây hoang mang. Thời gian hiện tượng bóng đè diễn ra có thể kéo dài vài phút nhưng cũng có thể nhanh chóng trong vài giây.
Tuy vậy, dù thời gian bóng đè dài hay ngắn, những người bị bóng đè thường mang tâm lý lo lắng, bồn chồn, mệt mỏi khi đã tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường. Việc bị bóng đè khi ngủ cũng khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc ngủ trở lại, thậm chí còn gây sợ hãi ảnh hưởng tới cả những ngày hôm sau.
Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, trong quá trình bị bóng đè, con người cũng sẽ gặp các ảo giác làm tăng mức độ lo lắng, gây hoang mang và sợ hãi. Một số những loại ảo giác thường gặp khi bị bóng đè phải kể đến như:
- Ảo giác vận động: Khi bị bóng đè và có ảo giác vận động, bạn có thể tưởng tượng thấy mình đang bay trên không trung hoặc bơi trên sông. Lúc này bạn cảm giác như cơ thể và linh hồn của mình dường như đã tách biệt.
- Ảo giác về sự hiện diện của ai đó: Trong trường hợp này, người bị bóng đè có thể “nhìn thấy” ai đó xuất hiện trước mặt mình. Đây là 1 loại ảo giác rất thường gặp khiến cho con người suy đoán rằng có ma quỷ hay thế lực nào đó đang đe dọa đến bạn.
Ảo giác khi bị bóng đè cũng rất đa dạng và khác nhau với từng người, song nhìn chung chúng đều khiến người bị bóng đè lo sợ và hoang mang ngay lúc đó.
Bị bóng đè có nguy hiểm không?
Bóng đè là 1 hiện tượng gián đoạn giấc ngủ được cho là không nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện tượng này rõ ràng luôn gây ra sự lo lắng, cảm giác hoang mang cho những người gặp phải. Nếu hạn hữu gặp phải 1,2 lần thì bóng đè không đáng lo ngại nhưng nếu hiện tượng này xuất hiện thường xuyên thì sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí là nguy hại đến sức khỏe.
Theo đó, bóng đè nếu diễn ra thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của bạn đồng thời gây rối loạn giấc ngủ. Có bạn bị ám ảnh không dám ngủ vào ban đêm, có bạn lại không kiểm soát được cơn buồn ngủ của mình vào ban ngày. Như thế, sức khỏe bị ảnh hưởng và hiệu quả học tập và làm việc cũng bị ảnh hưởng theo.
Nguyên nhân bị bóng đè
Phần lớn ác cảm tâm lý dành cho hiện tượng bóng đè đều đến từ quan niệm dân gian về sự tồn tại của ma, ác quỷ hay các thế lực siêu thực nào đó. Tuy nhiên, hiện tượng bóng đè cũng có thể được giải mã bằng khoa học.
Theo các nhà khoa học, giấc ngủ được chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn thư giãn – (2) Giai đoạn bắt đầu ngủ nhưng vẫn còn hơi tỉnh – (3) Giai đoạn chìm vào giấc ngủ thực sự – (4) Giai đoạn Ngủ sâu.
Vấn đề về hiện tượng bóng đè xảy ra tại giai đoạn 4. Đây là giai đoạn toàn thân bạn dường như tê liệt, chìm vào giấc ngủ sâu nhưng mắt lại có thể di chuyển nhanh, được gọi là giai đoạn REM (Rapid Eyes Movement). Khi đó, các bộ phận như chân tay đều ngừng hoạt động để nghỉ ngơi. Song, trong 1 số dịp đặc biệt, não bạn tỉnh thức và mắt mở vào đúng giai đoạn 4 này thì cơ thể khi đó lại không thể hoạt động gì dẫn đến hiện tượng bóng đè. Cảm giác như ai đã điểm huyệt bạn, không thể đứng dậy hay nói chuyện. tại giai đoạn ngủ sâu này, nhịp thở của con người cũng yếu hơn nên nếu não tỉnh thì sẽ gây cảm giác khó thở, tức ngực do thiếu oxy. Đây là cơ chế khoa học của hiện tượng bóng đè.
Một số nguyên nhân sâu xa gây ra hiện tượng bóng đè phải kể đến đó là:
- Căng thẳng, stress, áp lực quá độ
- Rối loạn chu kỳ giấc ngủ do hoạt động không điều độ
- Thường xuyên không ngủ đủ giấc
- Chấn thương tâm lý hoặc bị trầm cảm.
- Do di truyền
Nên làm gì khi bị bóng đè? Cách hạn chế hiện tượng này
Bóng đè là hiện tượng dễ xuất hiện và bắt gặp, có thể do 1 trong những nguyên nhân kể trên. Tuy nhiên, hiện tượng này hoàn toàn có thể đối phó cũng như tìm cách hạn chế và loại bỏ trong cuộc sống của bạn.
Cách trở lại trạng thái bình thường trong khi bị bóng đè
Tâm lý chung khi bị bóng đè là hoang mang, sợ hãi. Thế nhưng, khi bạn hiểu được rằng đây là hiện tượng phản ứng của cơ thể, không liên quan đến ma quỷ thì cơn hoảng loạn có thể được đối phó. Trong lúc bị bóng đè, bạn có thể tự giúp mình giải thoát với những lưu ý sau:
- Đừng cố gắng kháng cự. Khi cảm thấy dường như có ai đó đang đè chặt bạn xuống giường, cơ thể bạn có cố gắng kháng cự và vùng vậy cũng không thoát ra được mà chỉ khiến mình thêm sợ hãi. Thay vào đó hãy giữ nguyên tư thế và cố gắng cử động nhẹ bàn tay hay ngón chân hay nói ra vài âm thanh trong họng. Việc này sẽ giúp bạn dần đánh thức cơ thể của mình khỏi trang thái ngủ sâu.
- Tập trung vào hơi thở của mình. Khi bị bóng đè bạn thấy khó thở và ngột ngạt. Điều nên làm là bình tĩnh lại, điều hòa hơi thở của mình để tránh cơ thể bị ngạt mà hoảng loạn.
Chìa khóa quan trọng khi bị bóng đè đó là giữ bình tĩnh, tự chấn an bản thân và tìm cách điều hòa cơ thể bạn. Có như vậy, hiện tượng bóng đè sẽ nhanh chóng qua đi và bạn cũng không quá tốn sức, lo lắng sau đó nữa.
Cách ngăn ngừa, hạn chế hiện tượng bóng đè
phần lớn những người gặp tình trạng bóng đè đều không cần đến thuốc hay liệu pháp nào mà tự qua đi. Thế nhưng, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì chính là dấu hiệu cảnh báo về những vấn đề sức khỏe của bạn. Bởi thế bạn cần xem xét lại chế độ sinh hoạt, ăn uống cho điều độ hơn.
Các chuyên gia khuyên rằng, người trưởng thành cần đảm bảo ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày để cơ thể được nghỉ ngơi phù hợp. Việc lo lắng, áp lực quá mức cũng cần được kiểm soát tránh ức chế về thần kinh dẫn đến bị bóng đè khi đi ngủ.
Ngoài ra, việc uống đủ nước, ăn uống lành mạnh hạn chế các chất caffein hay cồn cũng sẽ cải thiện tinh thần và sức khỏe của bạn. Đặc biệt, mỗi ngày hãy dành ra 30 phút đến 1 tiếng để luyện tập thể thao (chạy bộ, đạp xe, bơi lội, gym…) để cơ thể được tập trung vận động, tái tạo năng lượng và ngủ ngon hơn mỗi ngày.
Bóng đè không phải là hiện tượng gì quá đáng sợ. Bạn hoàn toàn có thể đối phó và hạn chế tình trạng này. Hy vọng những thông tin trên đã giúp ích cho bạn trong việc hiểu và cải thiện giấc ngủ của bản thân mình đối với hiện tượng bóng đè.
Nguồn tham khảo: /www.webmd.com/sleep-disorders/sleep-paralysis
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.