Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn giấc ngủ tương đối hiếm gặp, đặc trưng bởi cơn buồn ngủ ban ngày quá mức và dai dẳng, khiến người bệnh giảm năng suất học tập, làm việc và tăng nguy cơ tai nạn, thương tích nghiêm trọng. Trong bài viết này, Sleep.vn gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết nhất về chứng ngũ rũ, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị. Cùng bắt đầu nhé!
Chứng ngủ rũ là gì?
Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn làm gián đoạn quá trình ngủ – thức, xảy ra do não không thể điều chỉnh đúng nhịp sinh học theo chu kỳ 24 giờ. Giấc ngủ bình thường bao gồm 5 giai đoạn: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ (REM), trong đó giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) xảy ra ở giai đoạn cuối, thường khoảng một giờ sau khi chìm vào giấc ngủ. Khi mắc chứng ngủ rũ, người bệnh sẽ không thể trải qua đủ 5 giai đoạn này mà vào thẳng giấc ngủ REM chỉ trong vòng vài phút sau đó, tức là sớm hơn rất nhiều so với bình thường.
Nguyên nhân khiến giai đoạn REM xảy ra nhanh chóng ở những người mắc chứng ngủ rũ là do những thay đổi trong não làm gián đoạn cách thức hoạt động của giấc ngủ. Các gián đoạn này cũng gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày cùng nhiều vấn đề khác.
Chứng ngủ rũ có 2 cấp độ: chứng ngủ rũ loại 1 (NT1) và loại 2 (NT2). Trong đó:
- Chứng ngủ rũ loại 1 (NT1) có liên quan đến hiện tượng cataplexy, tức là mất trương lực cơ đột ngột hay còn được gọi là “chứng ngủ rũ có hiện tượng cataplexy”. Không phải tất cả bệnh nhân được chẩn đoán với NT1 đều trải qua các đợt cataplexy. Người được chuẩn đoán mắc chứng ngủ rũ NT1 khi các xét nghiệm cho thấy họ có mức độ hypocretin-1 thấp, đây là một chất hóa học trong cơ thể giúp kiểm soát sự tỉnh táo.
- Chứng ngủ rũ loại 2 (NT2) hay còn được gọi là “chứng ngủ rũ không có cataplexy.” Những người có NT2 có nhiều triệu chứng tương tự như những người mắc chứng ngủ ngủ cấp độ NT1 trừ việc họ không gặp tình trạng mất trương lực cơ đột ngột. Bệnh có thể trở nặng sang cấp NT2, ước tính xảy ra trong khoảng 10% trường hợp. Tức cứ 10 người bị chứng ngủ rũ NT2 thì có 1 người sẽ chuyển sang NT1.
Các triệu chứng của chứng ngủ rũ là gì?
Các triệu chứng phổ biến của chứng ngủ rũ bao gồm:
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS): EDS là triệu chứng cơ bản của chứng ngủ rũ, ảnh hưởng đến tất cả những người mắc chứng rối loạn này. EDS khiến người bệnh luôn cảm thấy không thể cưỡng lại được cơn buồn ngủ, gây ra tình trạng mất tập trung và giảm năng suất làm việc. Người bệnh nhanh chóng ngủ thiếp đi mà không có dấu hiệu báo trước và gần như không kiểm soát được cơn buồn ngủ. Sau những giấc ngủ ngắn như vậy, những người mắc chứng ngủ rũ thường cảm thấy sảng khoái tạm thời.
- Hành động vô thức: Việc cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ có thể kích hoạt các hành động vô thức. Ví dụ, một học sinh trong lớp có thể tiếp tục viết nhưng thực chất chỉ là những dòng nguệch ngoạc hoặc vô nghĩa trên trang giấy.
- Giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn: Người bệnh có thể thức giấc nhiều lần trong đêm. Điều này khiến họ trở nên mệt mỏi và buồn ngủ hơn vào buổi sáng.
- Tê liệt: Những người mắc chứng ngủ rũ có tỷ lệ tê liệt khi ngủ cao hơn, đó là cảm giác không thể di chuyển khi đang ngủ hoặc khi thức dậy.
- Ảo giác liên quan đến giấc ngủ: Ảo giác có thể xảy ra khi đang ngủ (ảo giác hypnagogic) hoặc khi thức dậy (ảo giác hypnopompic). Điều này có thể đi kèm với chứng tê liệt khi ngủ, gây khó chịu hoặc hoảng sợ cho người bệnh.
- Cataplexy: Cataplexy là tình trạng mất kiểm soát cơ đột ngột. Nó chỉ xảy ra ở những người mắc chửng ngủ rũ NT-1. Một đợt cataplexy thường xuất hiện khi cơ thể đón nhận những cảm xúc tích cực như tiếng cười hoặc niềm vui. Cataplexy thường kéo dài trong vài giây đến vài phút. Tần suất xảy ra Cataplexy có sự khác biệt giữa mối cá nhân. Có người bị NT1 chỉ trải qua các đợt cataplexy vài lần mỗi năm, trong khi có những người có thể trải qua hàng chục đợt cataplexy mỗi ngày. Cho đến nay, các bác sĩ vẫn không biết tại sao bệnh lại diễn biến khác nhau ở mỗi bệnh nhân khác nhau.
Các phương pháp điều trị chứng ngủ rũ là gì?
Không có cách chữa trị cụ thể chứng ngủ rũ. Mục tiêu của điều trị chứng ngủ rũ tập trung vào việc giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân không may mắc chứng bệnh kỳ lạ này.
Đối với nhiều người mắc chứng ngủ rũ, nhìn chung, bệnh không dứt hẳn mà ổn định theo thời gian. Trong một số trường hợp, các triệu chứng nhất định có thể cải thiện khi người bệnh nhân già đi. Các phương pháp điều trị NT1 và NT2 tương tự nhau, riêng việc NT2 không có triệu chứng cataplexy nên không cần sử dụng các loại thuốc liên quan tới việc cải thiện tình trạng này.
Người bệnh không nên tự ý chữa trị, tất cả các liệu pháp nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vì chỉ có họ mới đủ kiến thức để lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất với tình hình của từng bệnh nhân cụ thể.
Điều trị bằng liệu pháp tiếp cận hành vi
Liệu pháp tiếp cận hành vi là hình thức trị liệu phi y tế và thường được kết hợp vào thói quen hàng ngày của những người mắc chứng ngủ rũ.
- Ngủ ngắn: Vì những giấc ngủ ngắn ngắn ngủi sẽ giúp những người mắc chứng ngủ rũ sảng khoái, nên việc dành thời gian trong ngày cho những giấc ngủ ngắn có thể làm giảm cảm giác thèm ngủ quá mức.
- Giữ vệ sinh giấc ngủ lành mạnh: Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, những người mắc chứng ngủ rũ nên bắt đầu thực hiện các thói quen vệ sinh giấc ngủ tốt. Vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm một lịch trình ngủ nhất quán chẳng hạn như ngủ lúc 11h tối và thức lúc 7h sáng kể cả ngày cuối tuần, phòng ngủ yên tĩnh, đồng thời hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
- Tránh rượu và các loại thuốc an thần khác: Bất kỳ chất nào có khả năng gây buồn ngủ đều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ngủ rũ ban ngày.
- Chế độ ăn uống cân bằng: Những người mắc chứng ngủ rũ có nguy cơ béo phì cao hơn, điều này làm cho việc ăn uống điều độ trở thành một phần quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của họ.
- Tập thể dục: Vận động có thể giúp ngăn ngừa béo phì và có thể góp phần cải thiện giấc ngủ vào ban đêm.
- Tư vấn tâm lý: Sức khỏe tinh thần cũng đóng một vai trò lớn trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh ngủ rũ. Chính vì thế, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để vượt qua nỗi xấu hổ do chứng bệnh này gây ra. Việc đối diện với căn bệnh với thái độ tích cực là bước thành công đầu tiên trong quá trình điều trị bệnh này.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị chứng ngủ rũ không giúp dứt bệnh mà là để cải thiện triệu chứng. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn và kê toa phù hợp nhất với tình trạng bệnh cũng như ngăn ngừa nguy cơ phản ứng thuốc. Một số loại thuốc thường được kê toa cho chứng ngủ rũ bao gồm:
- Modafinil
- Armodafinil
- Methylphenidate
- Solriamfetol
- Natri oxybate: Thuốc này có thể làm giảm tần suất cataplexy và giúp người bệnh ngủ ngon hơn, nhưng có thể mất vài tuần để thuốc có tác dụng.
- Pitolisant: Là một loại thuốc tăng cường sự tỉnh táo, giảm tần suất mất trương lực cơ đột ngột cataplexy.
Trên đây là tất tần tật thông tin bạn cần biết liên quan đến chứng ngủ rũ. Hy vọng Sleep.vn đã giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về bệnh cũng như phương hướng điều trị hiệu quả. Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên nhanh chóng tiến hành thăm khám bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Nguồn tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/narcolepsy
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.