Đổ mồ hôi ban đêm có thể gây khó chịu và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nhìn chung, đổ mồ hôi vào ban đêm không phải là hiện tượng đáng lo ngại. Nhưng đôi khi, chúng có thể được gây ra bởi một nguyên nhân có liên quan đến bệnh lý nào đó. Do đó, cần xác định nguyên nhân để tìm ra cách khắc phục phù hợp. Ở bài viết này, Sleep.vn sẽ cùng các bạn lý giải tại sao lại đổ mồ hôi ban đêm và làm thế nào để hạn chế, xử lý nó.
Đổ mồ hôi vào ban đêm là gì?
Đổ mồ hôi vào ban đêm là điều bình thường nếu nhiệt độ quá ấm. Đổ mồ hôi là một cách để cơ thể điều chỉnh nhiệt độ khi quá nóng hay khi gắng sức làm việc gì đó. Trong phòng tắm hơi hoặc tập thể dục bạn sẽ phải đổ mồ hôi nhiều.
Thế nhưng, một số người thường xuyên đổ mồ hôi vào ban đêm trong khi ngủ. Bạn thức dậy với tình trạng ướt đẫm quần áo vì mồ hôi, ngay cả khi nhiệt độ phòng không cao và không cần gắng sức. Chúng không phải do chăn dày hay phòng ngủ ấm áp gây ra. Thay vào đó, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác có thể là nguyên nhân gây ra những đợt đổ mồ hôi đáng kể trong khi bạn ngủ.
Tóm lại, đổ mồ hôi ban đêm là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều khi ngủ. Nó khiến quần áo ướt đẫm và thậm chí là cần thay ga trải giường, quần áo sau khi thức dậy. Đổ mồ hôi đêm khác với tình trạng đổ mồ hôi khi nhiệt độ môi trường quá nóng mà do một yếu tố nào đó xuất phát từ trong cơ thể bạn.
Đổ mồ hôi ban đêm có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây khó chịu. Cần tìm ra nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm và cách giải quyết chúng để ngăn những ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này.
Những nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi vào ban đêm
Hệ thống tự điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chính vì vậy, trong một số trường hợp rất khó biết chính xác lý do tại sao một người lại bị đổ mồ hôi vào ban đêm.
Tuy nhiên, người ta đã xác định được 4 nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi ban đêm, bao gồm: mãn kinh, thuốc men, nhiễm trùng và các vấn đề về hormone.
Thời kỳ mãn kinh có thể gây ra đổ mồ hôi vào ban đêm
Thời kỳ mãn kinh là khi phụ nữ ngừng kinh nguyệt vĩnh viễn. Trong thời gian này, cơ thể sẽ có nhiều thay đổi đáng kể trong việc sản xuất hormone estrogen và progesterone. Đây được cho là nguyên nhân quan trọng gây ra các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm.
Bốc được coi là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh, xuất hiện ở khoảng 85% phụ nữ. Trong hầu hết các trường hợp, các cơn bốc hỏa thực sự bắt đầu trong thời gian trước khi mãn kinh, được gọi là tiền mãn kinh và có thể tiếp tục khi phụ nữ mãn kinh.
Các cơn bốc hỏa ở thời kỳ mãn kinh thường kéo dài trong vài phút, có thể xảy ra nhiều lần mỗi ngày, kể cả vào ban đêm và gây đổ mồ hôi vào ban đêm. Có tới 64% phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh gặp các vấn đề về giấc ngủ, mất ngủ. Mặc dù đổ mồ hôi ban đêm không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng khó ngủ nhưng nó là yếu tố góp phần gây ra giấc ngủ kém.
Sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây đổ mồ hôi ban đêm
Một số loại thuốc được biết là có liên quan đến chứng đổ mồ hôi vào ban đêm. Chúng bao gồm một số thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hay thuốc steroid và các loại thuốc dùng để hạ sốt, chẳng hạn như aspirin hoặc acetaminophen. Chúng có thể gây đổ mồ hôi khi bạn sử dụng chúng, nhất là vào ban đêm.
Ngoài ra, các loại thức uống có chứa caffeine cũng là một nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi về đêm. Sử dụng rượu và ma tuý cũng có thể làm tăng nguy cơ đổ mồ hôi ban đêm.
Nhiễm trùng gây đổ mồ hôi vào ban đêm
Nhiều bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến đổ mồ hôi ban đêm. Nhiễm trùng có thể gây sốt và quá nóng dẫn tới mồ hôi ra nhiều khi ngủ. Bệnh lao, nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, virus, suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là một vài ví dụ về các bệnh nhiễm trùng thường gây đổ mồ hôi ban đêm.
Vấn đề về hormone
Những thay đổi trong hệ thống nội tiết và khả năng kiểm soát mức độ hormone trong cơ thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ mồ hôi vào ban đêm đêm. Ví dụ, hoạt động quá mức của tuyến giáp, bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu cao hay mức độ bất thường của hormone sinh dục.
Phần não điều chỉnh nhiệt độ cơ thể được gọi là vùng dưới đồi, nó cũng tham gia vào hệ thống nội tiết. Rối loạn chức năng vùng đồi dưới này cũng được cho là một vấn đề cơ bản liên quan đến sự mất cân bằng hormone và đổ mồ hôi ban đêm.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết như u pheochromocytoma (một khối u của tuyến thượng thận) và hội chứng carcinoid (xảy ra khi một khối u ung thư hiếm gặp tiết ra một số hóa chất vào máu đi vào máu và gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng) cũng có thể liên quan đến đổ mồ hôi ban đêm.
Các nguyên nhân khác gây ra mồ hôi ban đêm
Ngoài bốn nguyên nhân phổ biến trên, đổ mồ hôi vào ban đêm còn có thể xảy ra do các nguyên lí do khác. Chẳng hạn như bốc hỏa ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh hay các cơn lo âu và hoảng sợ đều có thể gây đổ mồ hôi ban đêm.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra bệnh trào ngược dạ dày cũng được khẳng định là một bệnh lý khiến người bệnh dễ tiết ra nhiều mồ hôi khi ngủ ban đêm.
Đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể là triệu chứng của một số loại ung thư hoặc tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư. Những cơn bốc hỏa có thể xảy ra ở những người bị ung thư hạch, phụ nữ bị ung thư vú và những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị ung thư có thể gây đổ mồ hôi ban đêm.
Cách khắc phục tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm
Đổ mồ hôi ban đêm có thể gây lo lắng và khó chịu, nghiêm trọng hơn là gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh. Do đó, bất cứ ai đối mặt với chứng đổ mồ hôi đêm đều muốn biết cách khắc phục và hạn chế tình trạng này để có giấc ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, vì có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây đổ mồ hôi ban đêm, nên không có giải pháp duy nhất để ngăn chặn chúng. Dưới đây chỉ là một số biện pháp hỗ trợ giúp tránh bị đổ mồ hôi khi ngủ về đêm mà chúng tôi đã tổng hợp được.
Thay đổi môi trường ngủ nghỉ và thói quen sinh hoạt
Một biện pháp hiệu quả, đơn giản để ngăn chứng đổ mồ hôi ban đêm là bắt đầu bằng cách thay đổi môi trường ngủ và thói quen sinh hoạt của bạn. Nó có thể giảm thiểu tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đổ mồ hôi vào ban đêm ,đồng thời cải thiện sức khỏe và giấc ngủ. Bao gồm:
Ngủ trong phòng ngủ mát hơn
Mặc dù phòng ngủ ấm hơn không phải là nguyên nhân chính gây ra mồ hôi ban đêm, nhưng nó có thể tạo điều kiện hoặc kích hoạt nó xảy ra ở mức độ nặng hơn.
Hãy điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ thấp hơn và sử dụng chăn ga mỏng nhẹ hơn, chất liệu mát mẻ hơn để có thể ngăn nhiệt tích tụ quanh cơ thể khi ngủ.
Ngoài ra, hãy cân nhắc chọn loại nệm tốt nhất để tăng khả năng thoáng bí, tránh nóng bức, bí bách ở lưng hoặc sử dụng thêm lớp đệm làm mát để điều hòa nhiệt độ cơ thể mát mẻ hơn .
Bên cạnh đó, quần áo bó sát sẽ có khả năng giữ nhiệt tốt. Vì vậy, khi ngủ, tốt nhất bạn nên mặc quần áo nhẹ, mỏng và rộng rãi được làm bằng chất liệu thoáng khí.
Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chất kích thích
Tất cả những thứ như caffeine, rượu hay thực phẩm cay nóng có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng đột biến và gây đổ mồ hôi. Hãy tránh sử dụng chúng, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ để làm giảm đổ mồ hôi ban đêm.
Cùng với đó là uống một ít nước mát lạnh trước khi đi ngủ sẽ giúp đạt được nhiệt độ dễ chịu hơn khi ngủ và hạn chế đổ mồ hôi hơn.
Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp
Một số nghiên cứu đã xác định mối tương quan giữa trọng lượng cơ thể và đổ mồ hôi ban đêm. Thừa cân hoặc béo phì có thể góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Điển hình là những vấn đề ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ – có thể gây ra đổ mồ hôi ban đêm. Trong khi những người có cân nặng vừa phải sẽ hạn chế được chứng bệnh này tốt hơn.
Sử dụng các kỹ thuật thư giãn trước khi ngủ
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, các kỹ thuật như “thở có kiểm soát” có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Các kỹ thuật thư giãn như tập yoga hay ngồi thiền cũng sẽ giúp cơ thể giảm căng thẳng, giúp ngủ ngon hơn.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về chứng đổ mồ hôi ban đêm
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị đổ mồ hôi ban đêm nếu nó diễn ra thường xuyên, kéo dài và gây cản trở giấc ngủ của bạn, ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày của bạn hoặc xuất hiện những thay đổi trong cơ thể và đi kèm với suy giảm sức khỏe. Rất có thể bạn đang mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng nào đó như nhiễm trùng hoặc ung thư.
Gặp bác sĩ là việc quan trọng vì họ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân và yêu cầu các xét nghiệm để tìm hiểu tình hình chính xác nhất. Dựa trên thông tin đó, bác sĩ có thể lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Thay đổi hoặc sử dụng thuốc
Nếu các loại thuốc bạn đang dùng gây đổ mồ hôi vào ban đêm, thì việc thay đổi đơn thuốc, liều lượng hoặc thời điểm dùng thuốc là rất cần thiết để giải quyết chứng đổ mồ hôi ban đêm.
Nếu đổ mồ hôi ban đêm là do nhiễm trùng hoặc vấn đề về hormone, cũng có thể sử dụng thêm các loại thuốc có thể giúp để cải thiện, chữa trị tình trạng nhiễm trùng và tác động đến việc thay đổi nội tiết tố, hormone với phụ nữ mãn kinh.
Trên đây là những nguyên nhân và cách hạn chế tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm mà Sleep đã tìm hiểu và tổng hợp được. Hy vọng với những chia sẻ này, những người đang gặp chứng đổ mồ hôi đêm sẽ có thêm những thông tin hữu ích và áp dụng chúng trong quá trình điều trị chứng bệnh này. Mặc dù không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng đừng để nó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và giấc ngủ của bạn.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.sleepfoundation.org/night-sweats
- https://www.healthline.com/health/night-sweats#treatment
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.