Trẻ mới biết đi là những nhân tố siêu gây rối. Vào ban ngày, chúng là những “con ong” bận rộn – không bao giờ dừng khám phá, vui chơi và khẳng định sự độc lập của mình. Do đó, vào ban đêm chúng sẽ thường cảm thấy mệt mỏi nên cần đi ngủ bên cạnh cha mẹ để có được những cái ôm ấp ngọt ngào.
Ngủ chung với con có những mặt tích cực và tiêu cực, cũng như những rủi ro tiềm ẩn, vì vậy đây không phải là một quyết định được xem nhẹ. Vậy liệu ngủ cùng giường với con vào mỗi buổi tối có ổn không?
Cho con ngủ chung với bố mẹ có an toàn không?
Bắt đầu từ lúc bé được 1 tuổi, việc ngủ chung với con được coi là an toàn. Trên thực tế, trẻ càng lớn càng ít rủi ro hơn, vì chúng dễ dàng di chuyển, lăn lộn và tự thoát khỏi nếu chẳng may bị cha mẹ đè.
Mặt khác, việc ngủ chung với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trẻ sơ sinh có thể không tự chui ra khỏi đống chăn gối nặng nề hoặc thậm chí cả cơ thể người lớn đè lên, do đó làm tăng nguy cơ mắc kẹt, ngạt thở và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Bất kể độ tuổi nào, trong một số tình huống nhất định việc ngủ chung với con đều không tốt và nguy hiểm. Cha mẹ nên tránh ngủ cùng con trên một chiếc giường nếu đã uống rượu hoặc dùng chất kích thích, vì lúc này rất khó để bạn tự chủ được hành động của bản thân.
Có một số nghiên cứu đã chỉ ra việc ngủ chung với trẻ mới biết đi lâu dài sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu. Trong đó, vào năm 2017, sau khi khảo sát qua 944 gia đình thu nhập thấp, nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ con ngủ với cha mẹ sẽ bị suy yếu về năng lực giao tiếp xã hội và khả năng nhận thức.
Lý do vì sao bố mẹ thường ngủ chung với con cái?
Ngủ chung có thể gây trở ngại đối với một số cha mẹ nhưng lại là lựa chọn bổ ích dành cho nhiều người khác. Vậy nên có thể thấy, việc bố mẹ ngủ chung với con xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Thiếu phòng ngủ dẫn đến việc ngủ chung của con cái và cha mẹ.
- Một số cha mẹ có mong muốn gần gũi hơn với con.
- Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy không an tâm khi cho con ngủ một mình.
- Thậm chí, nhiều người phải dùng đến việc ngủ chung với con nít để giữ cho tinh thần luôn được vui vẻ và thoải mái.
Cha mẹ ngủ chung với con cái mang đến những lợi ích nào?
Ngủ chung với trẻ có thể không được coi là chuẩn mực ở Hoa Kỳ, nhưng ở những nơi khác trên thế giới, đây lại là một thói quen phổ biến và được khuyến khích. Nhiều nền văn hóa coi trọng tính thực tế và sự gần gũi về thể chất, nên việc bố mẹ ngủ chung giường với con vô cùng bình thường.
Giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái bền chặt hơn
Thực tế chỉ ra rằng ngày thì dài nhưng năm tháng thì ngắn, những cái ôm ngọt ngào giữa cha mẹ và con cái chỉ thoáng qua. Khi lớn hơn, chúng sẽ đòi hỏi sự độc lập của riêng mình và muốn có nhiều không gian cá nhân hơn. Ngủ chung khi trẻ đang trong giai đoạn chập chững biết đi sẽ giúp cha mẹ tận dụng tối đa thời gian bên nhau này.
Ngoài ra, những bậc cha mẹ có lịch làm việc bất thường và không thể có mặt liên tục bên con, việc chọn ngủ chung là cách để có nhiều thời gian quý báu hơn với các bé đang lớn. Vậy nên có thể nói, ngủ chung sẽ giúp gắn kết tình cảm sâu sắc hơn và mang lại cho con bạn cảm giác an toàn.
Giúp trẻ giảm căng thẳng trước khi đi ngủ
Một số trẻ mới biết đi có tình trạng FOMO (hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) nghiêm trọng trước khi đi ngủ. Chúng không muốn bị bỏ lại trong phòng riêng và tách khỏi sự gần gũi, an ủi của cha mẹ. Việc ngủ chung sẽ giúp chúng cảm thấy an tâm hơn và dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ.
Là một người trưởng thành với quỹ thời gian hạn chế của riêng mình, có thể nhiều cha mẹ đã có những ý tưởng thú vị để tận hưởng buổi tối của mình. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến về tâm lý lựa chọn giữa chính mình và con. Dĩ nhiên, thông thường một đứa trẻ con dễ thương sẽ giành chiến thắng.
Ngủ chung có thể giúp con nít đi vào giấc ngủ nhanh gọn hơn và cha mẹ đỡ phải mệt nhọc trong việc “tranh đấu” hàng giờ với bé. Hãy dùng những mẩu chuyện nhỏ, những bài hát hay để nhanh chóng đưa con vào giấc mơ đẹp mỗi tối.
Bố mẹ ngủ chung với con cái có mang đến hạn chế gì hay không?
Mặc dù ngủ chung là một điều may mắn đối với nhiều người, nhưng các bậc cha mẹ khác lại coi đó là một thói quen không tốt mà học mắc phải. Thực tế, điều này vẫn tồn tại một số nguy cơ tiềm ẩn.
Chất lượng giấc ngủ kém
Mặc dù ngủ chung nghe có vẻ dễ thương nhưng nó lại gây những khó chịu nhất định dành cho cha mẹ. Có thể thấy, trong khi trẻ mới biết đi trông đẹp như thiên thần khi ngủ, các tay chân bé nhỏ của chúng lại thích khua khoắng xung quanh, và chất lượng giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những giấc mơ “nhảy múa” như thế này.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, những bà mẹ có trẻ sơ sinh ngủ chung sẽ thức giấc vào ban đêm nhiều hơn và ngủ kém hơn so với những bà mẹ có con ngủ riêng. Nếu bạn đã từng xem trò nhào lộn của một đứa trẻ khi đang ngủ sẽ nhận ra rằng dù chúng ta có cố gắng làm lơ đi nữa cũng khó mà yên giấc.
Ảnh hưởng đến tinh thần
Tình trạng thiếu ngủ có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của chúng ta. Nhìn chung, những bậc làm cha làm mẹ thường bị vắt kiệt thời gian nghỉ ngơi, nên nhiều người cần khoảng lặng để tinh thần và thể chất có thể thiết lập lại, đồng thời làm mới cơ thể cũng như tâm trí của họ trước khi bắt đầu một buổi sáng bận rộn khác.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, những bà mẹ ngủ chung với con nít thường xuyên thức giấc hoặc múa may quay cuồng lúc say giấc sẽ mất ngủ trung bình 51 phút mỗi đêm. Đồng thời họ còn có mức độ lo lắng, căng thẳng và trầm cảm rất cao.
Khiến cho bố mẹ thiếu thời gian dành cho nhau
Cả gia đình nhỏ cùng nhau ngủ chung trên một chiếc giường sẽ làm mất đi khoảng thời gian riêng tư dành cho vợ chồng bạn. Lúc này cả hai sẽ không thể chia sẻ tâm sự sau một ngày dài, cũng như không thể ôm hoặc xem phim cùng nhau,…
Không những vậy, việc quan hệ tình dục trước khi đi ngủ tất nhiên là điều bị bỏ qua luôn 1 bên, vì lúc này đã có một đứa con nít cuộn tròn giữa bạn và nửa kia của mình (mặc dù nhiều bậc cha mẹ tìm cách sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề này).
Ngay cả khi không lo lắng về việc ngủ chung có ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với đối phương như thế nào, nhiều người vẫn chỉ mong muốn có được khoảng thời gian riêng tư để nghỉ ngơi và nạp năng lượng. Chẳng có gì sai khi cần một chút thời gian cho bản thân và không phải đáp ứng nhu cầu của người khác cả.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
Không chỉ có vậy, việc ngủ chung như thế này còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Đôi khi sau một ngày dài mệt mỏi, bố mẹ sẽ không thể tự chủ được hành vi của mình, vậy nên trong giấc ngủ có thể vô thức nằm đè lên con lúc nào không hay.
Hơn hết, lượng CO2 bố mẹ thải ra trong khi ngủ cũng có thể khiến con thiếu hụt oxy, khiến cho bé ngộp thở. Đó chính là lý do vì sao nhiều chuyên gia không khuyến khích việc bố mẹ ngủ chung với con cái. Hãy chủ động ngủ phòng riêng nếu bạn đang ở trong tình trạng thiếu tỉnh táo nhé.
Làm thế nào để bạn ngừng ngủ chung với trẻ mà không gây ra những rắc rối?
Nếu bạn đang mong muốn lấy lại được khoảng thời gian riêng tư cho mình thì đã đến lúc thực hiện một bước chuyển đổi lớn. Việc này sẽ không dễ dàng nhưng chỉ với một vài bước, bạn đã có thể chuyển từ ngủ chung sang ngủ một mình rồi đấy. Dưới đây là một số mẹo hữu ích dành cho bạn.
Thử cách ngủ chung phòng nhưng không chung giường
Trẻ mới biết đi luôn muốn biết rằng cha mẹ có đang ở gần mình hay không. Vậy nên việc đột ngột đưa bé sang một không gian riêng sẽ khiến con lo lắng, hoảng sợ từ đó dẫn đến mất ngủ. Vậy nên để thực hiện được mục đích của mình bạn nên bắt đầu từ việc chia phòng với con đã nhé.
Lúc này, cha mẹ có thể thêm 1 cái cũi, nệm nhỏ hoặc tạo không gian ngủ riêng biệt khác vào phòng ngủ của mình. Đây là phương án hoàn hảo để người lớn có thể lấy lại không gian cá nhân của mình nhưng vẫn cung cấp sự hiện diện của bạn cho con.
Chuyển đổi dần dần
Đây là một cuộc chạy marathon không phải là đường chạy nước rút, vì vậy bố mẹ hãy thật kiên nhẫn trong quá trình này. Để có thể đạt được mục đích của mình tốt nhất bạn nên tiến hành mọi thứ một cách từ từ. Cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ ở trong phòng hoặc giường riêng của chúng, dẫu biết rằng các bé có thể tìm đường đến chỗ bạn vào lúc nửa đêm.
Nếu con đến phòng bạn, hãy đợi chúng ngủ say và đưa về phòng ngủ của các bé. Bố mẹ hãy thể hiện sự tử tế và trấn an bằng lời nói. Chỉ cần tiếp tục và đừng bỏ cuộc, sau một thời gian, sự thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả đấy.
Nhờ sự tư vấn của chuyên gia
Nếu bạn đã dùng hết mọi cách có thể nghĩ ra mà vẫn chưa làm được, hãy cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia. Họ với bề dày kinh nghiệm có thể giúp bạn lập kế hoạch ngủ cho trẻ mới biết đi hiệu quả.
Chia sẻ từ các chuyên gia tư vấn, bác sĩ nhi khoa hoặc huấn luyện viên về giấc ngủ luôn vô cùng hữu ích. Với những cái nhìn chuyên sâu, họ sẽ đưa ra những ý kiến thúc đẩy nhẹ nhàng để cả bạn và con mình có được giấc ngủ như vẫn mơ ước bấy lâu nay.
Tổng kết
Giấc ngủ vô cùng thiêng liêng, vì vậy hãy tận hưởng những giờ phút này nhé. Bạn có thể chọn cách ôm con ngủ hoặc để bản thân thư giãn trong không gian riêng tư của mình, miễn sao vừa ý mình là được.
Nguồn: https://www.healthline.com/health/parenting/co-sleeping-with-toddlers
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.