Chứng mất ngủ có thể tàn phá nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Thông thường, việc điều trị mất ngủ được khuyến khích sử dụng các biện pháp tự nhiên không dùng thuốc. Trong những trường hợp bệnh trở xấu, bác sĩ mới cân nhắc kê đơn thuốc để giúp người bệnh có thể vào giấc. Theo các chuyên gia sức khỏe, thuốc trị mất ngủ chỉ nên là công cụ hỗ trợ tạm thời vì về lâu dài, loại thuốc này có thể khiến người bệnh bị “lệ thuộc” và nhiều tác động khác xấu đến sức khỏe. Trong bài viết này, Sleep.vn sẽ bày cho bạn cách để có thể bỏ được thuốc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách tự nhiên.
Thuốc trị mất ngủ là gì?
Thuốc trị mất ngủ là tên gọi chung của các loại thuốc có tác dụng gây buồn ngủ ngay lập tức hoặc giúp an thần, tạo ra cảm giác thư giãn kích thích giấc ngủ, có hiệu quả cao đối với các trường hợp mất ngủ do bị rối loạn lo âu. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị mất ngủ là:
Thuốc ngủ: Đây là nhóm thuốc có tác dụng mạnh, giúp người bệnh có thể vào giấc nhanh chóng, tuy vậy đây cũng là nhóm thuốc dễ gây phụ thuộc nên thông thường chỉ được chỉ định sử dụng cho trường hợp mất ngủ ngắn hạn (dưới 3 ngày). Khi dùng thuốc này, người bệnh lưu ý không được sử dụng liên tục quá 3 ngày. Tác dụng phụ của thuốc là đau đầu, khó tiêu, chóng mặt,… Một số loại thuốc ngủ phổ biến hiện nay là Phenobarbital, Zolpidem,…
Thuốc bình thần: Thuốc này có tác dụng khá mạnh tương tự như thuốc ngủ, giúp người bệnh có thể ngủ được gần như ngay lập tức. Tuy vậy, loại thuốc này cũng chỉ nên sử dụng cho trường hợp mất ngủ ngắn hạn, tình trạng bệnh chưa trầm trọng và không sử dụng nhiều quá 3 ngày. Không nên tùy ý tự kê đơn và mua thuốc bình thần tại các hiệu thuốc, thay vào đó, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng liều lượng hợp lý. Tác dụng phụ của loại thuốc này là gây suy giảm trí nhớ. Một số loại thuốc bình thần phổ biến nhất hiện nay là Diazepam, Bromazepam, Clonazepam, Rotunda,…
Thuốc chống trầm cảm: Loại thuốc trị mất ngủ này thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp mất ngủ kinh niên. Khi đi vào cơ thể, thuốc sẽ tác động lên hệ Serotonin trong não, kích thích cơn buồn ngủ. Khác với thuốc ngủ hay thuốc bình thần, thuốc chống trầm cảm không có tác dụng ngay lập tức mà thường sau 3-4 tuần sử dụng mới thấy được hiệu quả rõ rệt. Thuốc phát huy công dụng tốt nhất đối với các bệnh nhân mất ngủ do rối loạn lo âu, trầm cảm. Một số tác dụng phụ thường thấy ở loại thuốc này là tăng cân, đắng miệng, táo bón,…
Thuốc kháng Histamin: Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc này khi gặp tình trạng mất ngủ do mắc các bệnh như eczema, hắc lào,… gây ngứa ngáy suốt đêm bởi vì nó có 2 công dụng là chống dị ứng và gây buồn ngủ. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc này mà phải dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số tác dụng phụ của thuốc kháng Histamin gồm khô mũi, đắng miệng, chóng mặt, suy giảm trí nhớ.
Thuốc an thần mới: Bao gồm các loại thuốc như Olanzapine, Quetiapine, Amisulpride,… Loại thuốc này có tác dụng gây buồn ngủ hiệu quả, thường được kê toa cho các bệnh nhân điều trị mất ngủ lâu năm. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của loại thuốc này là gây tăng cân do thuốc kích thích cảm giác thèm ăn. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên tránh tiêu thụ quá nhiều chất béo, chất ngọt và tích cực vận động cơ thể. Một số tác dụng phụ khác của loại thuộc trị mất ngủ này gồm:
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Khô miệng
- Nhức đầu
Thuốc trị mất ngủ gây hại như thế nào?
Nếu sử dụng ở liều thấp và thời gian ngắn, thuốc trị mất ngủ sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn và giảm bớt căng thẳng, lo âu nhưng nếu sử dụng ở liều cao với tuần suất dày đặc thì người bệnh có thể gặp rất nhiều tác dụng phụ như suy giảm trí nhớ, buồn nôn, chán ăn,… Có không ít trường hợp sử dụng thuốc trị mất ngủ quá liều dẫn đến hôn mê và sốc thuốc. Đối tượng cần thận trọng trong việc dùng loại thuốc này người già do hệ miễn dịch và các cơ quan nội tạng đều đã bắt đầu suy yếu.
Khi sử dụng thuốc trị mất ngủ trong thời gian kéo dài khoảng 10 ngày trở lên, người bệnh có thế bị nhờn thuốc và bắt đầu phục thuộc vào thuốc. Tức là nếu ngừng thuốc thì bạn sẽ không thể vào giấc được và phải sử dụng liều lượng cao hơn để có được tác dụng như mong muốn. Người bệnh cần lưu ý rằng bạn không nên tự ý thay đổi liều lượng thuốc mà nên tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn để có sự điều chỉnh toa thuốc phù hợp. Ngoài ra, người bệnh không nên dừng thuốc đột ngột mà cắt giảm dần liều lượng dưới sự theo dõi của bác sĩ. Nhìn chung tình trạng lệ thuộc thuốc là tác hại phổ biến nhất của tất cả các loại thuốc trị mất ngủ.
Xem thêm: Người già có nên dùng thuốc ngủ? các biện pháp chữa mất ngủ tự nhiên dành cho người già
Tác dụng chính của các thuốc an thần trị mất ngủ là làm chậm hoạt động của bộ não, giúp cơ thể thư giãn hơn, do đó khi ngừng thuốc, bộ não có thể phản ứng bật lại quá mức, gây ra các dấu hiệu “nghiện thuốc” như bồn chồn, lo âu, tâm trạng thái đổi thất thường,… hay còn được gọi là “hội chứng cai”. Khi cai “nghiện” thuốc ngủ, cơ thể sẽ còn trải qua các triệu chứng sau:
- Co thắt cơ thể
- Co giật
- Mất ngủ
- Mê sảng
- Rối loạn lo âu
- Thèm ăn
- Cáu gắt
- Buồn vui thất thường
- Ảo giác
- Đổ mồ hôi
- Tăng nhịp tim
- Run tay
- Buồn nôn
Mẹo để ngủ ngon hơn mà không cần dùng thuốc
Dưới đây là một số bí quyết để ngủ ngon hơn mà không cần dùng đến thuốc trị mất ngủ, chìa khóa nằm ở việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống một cách lành mạnh hơn:
Không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ
Người bị khó ngủ, mất ngủ không nên ăn quá no trước giờ đi ngủ, đặc biệt là các loại thức ăn cay nóng và nhiều đầu mỡ. Nó sẽ tạo áp lực lớn lên dạ dày và hệ tiêu hoá gây ra cảm giác đầy bụng, khó chịu, khiến bạn khó vào giấc hơn. Các loại thực phẩm kích thích cảm giác thèm ngủ mà bạn có thể dùng vào buổi tối là chuối, trà hoa cúc, sữa, hạt hạnh nhân.
Các thực phẩm nên tránh sử dụng trong quá trình điều trị mất ngủ là rượu bia và cà phê, đặc biệt là vào buổi tối. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên dừng việc hút thuốc do thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển các rối loạn giấc ngủ và gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
Thư giãn vào ban đêm
Để giúp tâm trí được thư gĩan và sẵn sàng cho giấc ngủ, bạn hãy xây dựng thêm một số thói quen vệ sinh giấc ngủ tốt như:
- Uống trà trị mất ngủ
- Đọc sách
- Thiền
- Nghe tiếng ồn trắng
- Tắm nước nóng
- Massage bấm huyệt tại nhà
Bên cạnh đó, ánh sáng và âm thanh là yếu tố quan trọng giúp bạn có được giấc ngủ chất lượng. Phòng ngủ nên được giữ tối và yên lặng để bộ não kích thích sản xuất ra hormone “gây buồn ngủ” Melatonin một cách tự nhiên. Nếu căn phòng của bạn nằm ở vị trí hứng ánh sáng (ví dụ đèn đường lọt vào) thì nên sử dụng rèm cửa dày hơn hoặc mua miếng bịt mắt. Về vấn đề âm thành thì có thể khắc phục bằng cách sử dụng nút bịt tai. Nếu chăn ga gối quá cũ không còn tạo cảm giác thoải mái cho bạn thì đừng chần chừ mua mới nhé!
Tập thể dục nhẹ nhàng
Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy rằng tập thể dục mang lại hiệu quả rất tốt trong việc điều trị chứng mất ngủ và giảm căng thẳng. Cụ thể nó sẽ giúp tăng thời lượng giấc ngủ sóng chậm (sâu), từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nhất quán trong thời gian đi ngủ – thức dậy
Người bệnh nên duy trì nhịp ngủ – thức đều đặn, tức tạo thói quen về giờ đi ngủ và thức dậy, kể cả trong cuối tuần. Bằng cách này, cơ thể sẽ bắt được tín hiệu khi nào cần buồn ngủ, khi nào cần tỉnh giấc. Nhờ vậy, khi đến giờ đi ngủ, người bệnh sẽ tự động có cảm giác thèm ngủ và nhanh chóng vào giấc hơn.
Không dùng đồ điện từ ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ
Lướt qua mạng xã hội trên điện thoại hoặc làm việc trên máy tính vào buổi tối muộn có thể khiến bạn khó ngủ. Điều này là do các thiết bị công nghệ này phát ra ánh sáng xanh ức chế quá trình sản xuất melatonin, là một loại hormone “gây ngủ tự nhiên” của cơ thể. Hormone thường tăng vào ban đêm và giảm vào ban ngày nhưng các thiết bị điện tử có thể khiến cơ thể bối rối trong việc nhận biết ngày – đêm.
Trên đây là những chia sẻ liên quan đến thuốc trị mất ngủ cũng như cách để có được giấc ngủ ngon hơn mà không cần dùng thuốc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có được những giải pháp tốt nhất để đánh bại chứng mất ngủ. Chúc bạn áp dụng thành công!
Nguồn tham khảo: https://www.sleepadvisor.org/how-to-get-off-sleeping-pills/
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.