Nằm mơ là một hiện tượng khá bí ẩn. Giấc mơ có thể mang đến cho chúng ta niềm vui, sự giải trí hay thậm chí là tâm lý lo sợ. Vậy giấc mơ có vai trò như thế nào đối với cuộc sống của mỗi chúng ta? Vì sao con người lại nằm mơ? Hãy cùng Sleep.vn tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Giấc mơ là gì?
Giấc mơ là tập hợp những hình ảnh, âm thanh và cảm giác mà chúng ta trải qua khi đang ngủ. Nó có thể xảy ra vào bất kỳ thời gian nào trong chu kỳ giấc ngủ, phổ biến nhất là vào giai đoạn ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Trung bình, chúng ta sẽ trải qua giai đoạn mơ từ khoảng ba đến sáu lần mỗi đêm.
Những gì chúng ta nhìn thấy trong giấc mơ có thể không là sự thật và cũng không có ý nghĩa dù nó vô cùng chân thực. Đôi khi, chúng ta mơ thấy con chó của mình có kích thước to bằng một chiếc xe tải và bạn là người đã cưỡi nó vượt qua một khu rừng mê hoặc. Bạn trò chuyện với các sinh vật huyền bí và mọi chuyện diễn ra rất thật. Tuy nhiên, tất cả chỉ là tưởng tượng.
Tiến sĩ Sigmund Freud tin rằng giấc mơ là một cánh cửa dẫn vào tiềm thức của bạn. Bất cứ điều gì bạn nhìn thấy khi đang ngủ đều có thể là một phần trong tiềm thức sâu thẳm. Việc ngủ mơ thường là biểu hiện làm việc căng thẳng và chúng ta sẽ thấy bản thân đang tái hiện lại một ngày như thế trong giấc mơ. Tuy nhiên, các hình ảnh, sự kiện trong giấc mơ sẽ mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn. Ví dụ, khi bạn chạy vội vã vì đi trễ trong giấc mơ của bạn có thể liên quan đến việc bị một con vật to lớn đuổi theo.
Tại sao chúng ta mơ?
Các nhà khoa học vẫn đang thảo luận về lý do chúng ta xuất hiện giấc mơ. Một số người tin rằng giấc mơ là một điều ngẫu nhiên và không có mục đích cụ thể. Trong khi những người khác cho rằng chúng ta cần có giấc mơ để duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Dựa trên niềm tin của tiến sĩ Sigmund Freud, giấc mơ là cánh cửa đi vào tiềm thức của chúng ta. Lý thuyết này cũng cho rằng giấc mơ giúp chúng ta xử lý thông tin từ cuộc sống và xử lý những cảm xúc mà mỗi người đã trải qua hàng ngày.
Điều này khá hợp lý khi cho rằng giấc mơ là công cụ giải quyết các vấn đề trên. Đôi khi chúng ta đi ngủ trong tâm trạng lo lắng về một vấn đề nào đó. Vào sáng hôm sau, bạn bỗng nhiên tìm ra giải pháp hoàn hảo cho những điều mình băn khoăn. Có lẽ bạn chỉ cần ngủ một giấc để có đủ tỉnh táo hoặc bạn đã có một giấc mơ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, Freud cũng tin rằng giấc mơ cho phép con người tạo ra những động lực, suy nghĩ và mong muốn vô thức mà không thể chấp nhận được trong xã hội hàng ngày.
Sự thật về giấc mơ
Việc ngủ mơ diễn ra với tất cả mọi người và chúng ta không thể kiểm soát nội dung hoặc kết quả của giấc mơ. Chúng ta thường không thể nhớ rõ về giấc mơ của mình hay thậm chí còn khẳng định rằng bản thân không mơ. Tuy nhiên, giấc mơ vẫn sẽ diễn ra khi chúng ta đi ngủ, mặc dù bạn có nhận thức về nó hay không.
Một giấc mơ điển hình có thể kéo dài từ 5 đến 20 phút mỗi đêm. Nam giới và nữ giới có xu hướng mơ thấy nội dung tương tự nhau. Tuy nhiên, tình huống mơ của phụ nữ thường sẽ xảy ra trong nhà và liên quan đến các thành viên trong gia đình. Trong khi đàn ông có xu hướng mơ thấy các tình huống dữ dội hơn.
Chúng ta có xu hướng biết những người mình gặp trong giấc ngủ ít nhất 48% thời gian mơ. Trong những trường hợp còn lại, bạn sẽ thấy những người lạ hoặc những nhân vật mang tính biểu tượng, văn hóa như giáo viên, bác sĩ, người bán hoa…
Dù giấc mơ giúp ghi nhớ những ký ức lâu dài nhưng chúng ta thường không nhớ được những điều diễn ra trong giấc mơ. Khoảng 95% những ký ức sẽ bị biến mất trong vòng vài phút sau khi bạn thức dậy.
Có một cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học về mục đích của giấc mơ. Một số nhà khoa học kiên định rằng giấc mơ không có chức năng gì. Nó chỉ là một tập hợp những câu chuyện và hình ảnh kỳ quặc mà bộ não của chúng ta “kể” suốt đêm. Các nhà nghiên cứu khác tin rằng giấc ngủ là một cơ chế thích nghi cho phép não bộ sắp xếp tất cả thông tin trong ngày, học hỏi, tạo ký ức và phục hồi sau chấn thương.
Những gì chúng ta biết là khi mọi người thiếu ngủ (họ thức dậy ngay trước khi bước vào giai đoạn ngủ được gọi là REM) thường sẽ bị lo lắng, trầm cảm, tăng cân, khó tập trung và thậm chí là gặp ảo giác.
Dù mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau về giấc mơ, điều thú vị là hầu hết các giấc mơ của chúng ta đều thuộc một số chủ đề nhất định. Ví dụ, người có bí mật và lo lắng về nó sẽ thường mơ thấy bản thân khỏa thân.
Có thể nói, cách mà giấc mơ diễn ra có thể tiết lộ được những gì chúng ta tiếp xúc, suy nghĩ trong đời sống hàng ngày.
Có bao nhiêu loại giấc mơ?
Mơ mộng giữa ban ngày
Chúng ta thường dành trung bình 70 đến 120 phút một ngày để mơ mộng. Đôi khi là nhìn chằm chằm vào không gian và tưởng tượng về một cái gì đó, một diễn cảnh khác. Dù chẳng phải đang mơ ngủ nhưng chúng ta đã mất kết nối với môi trường thực tế và lơ đãng về mọi thứ xung quanh.
Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream)
Loại giấc mơ này sẽ xảy ra khi bạn biết rằng bản thân vẫn đang ngủ. Đối với hầu hết mọi người, việc ý thức bản thân đang mơ sẽ khiến chúng ta thức dậy ngay lập tức. Tuy nhiên, giấc mơ sáng suốt là một loại kỹ năng có thể thực hiện được. Khi biết được mình đang mơ, bạn chỉ cần tưởng tượng và sáng tạo hơn. Bạn sẽ nhận ra rằng bản thân có thể điều khiển giấc mơ diễn ra theo mong muốn mà không cần lo sợ đến bất kỳ hậu quả nào.
Giấc mơ lặp đi lặp đi
Bạn có bao giờ mơ thấy những giấc mơ có nội dung tương tự nhau? Đây là loại giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong một vài trường hợp, những điều này có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, hầu hết loại giấc mơ này đều là cơn ác mộng được bắt nguồn từ những vấn đề hay xung đột chưa được giải quyết. Nếu có thể hiểu được gốc rễ của vấn đề, bạn có thể giải quyết tình trạng mơ này.
Giấc mơ chữa lành
Đây là giấc mơ thường xuất hiện ở những người đang phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe. Chúng thường là tín hiệu được cơ thể báo hiệu trong vô thức để thể hiện sức khỏe của bạn có vấn đề và cần được giải quyết. Ví dụ, khi mơ thấy mình bị sâu răng, bạn có thể đang bị trễ lịch đến nha sĩ để làm sạch răng.
Giấc mơ tiên tri
Khi chúng ta bị tấn công tới tấp bởi những kích thích trong bên ngày, một số vấn đề phức tạp có thể không được xử lý hoàn toàn. Chúng ta chỉ xử lý được một phần thông tin nhận được. Tuy nhiên, não bộ lại cố gắp chắp nối chúng lại với nhau khi chúng ta đang ngủ. Điều này sẽ dẫn đến các giấc mơ dường như đang dự đoán tương lai. Thực tế, nó là kết quả khi não bộ xử lý các sự kiện ngẫu nhiên.
Ác mộng
Ác mộng là giấc mơ có những hình ảnh đáng sợ, gây nhiễu. Nó có thể phản ánh các tình huống thực tế mà bạn đang gặp phải. Thậm chí ác mộng còn có thể được kích hoạt bằng việc xem một thứ gì đó đáng sợ, phiền nhiễu trên tivi ngay trước khi đi ngủ.
Thông thường, ác mộng được xuất phát từ tiềm thức của chúng ta khi có một chấn thương hoặc nổi sợ gây ám ảnh. Những người có xác suất gặp ác mộng cao khi gia định của họ có tiền sử mắc các vấn đề về tâm thần. Hoặc họ đang trải qua những mối quan hệ rắc rối, căng thẳng trong cuộc sống, công việc. Những người sử dụng ma túy hoặc có các trải nghiệm tiêu cực cũng có thể gặp ác mộng thường xuyên.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc mơ
Giấc mơ có thể chịu tác động của một số yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: Sự chân thực của giấc mơ được thể hiện rõ nét nhất khi chúng ta còn nhỏ tuổi. Nhiều người trong chúng ta có thể nhớ lại một vài điều đặc biệt sống động, đặc biệt là những cơn ác mộng.
- Giới tính: Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều cho rằng đàn ông và phụ nữ mơ giống nhau. Sự khác biệt rõ nhất là nam giới có xu hướng hình dung ra các cảnh có tính chất dữ dội, hung hăng hơn và ở ngoài trời. Trong khi nữ giới thường mơ thấy các bối cảnh trong nhà, các thành viên trong gia đình và trẻ nhỏ.
- Chứng rối loạn giấc ngủ: Người bị mất ngủ có xu hướng nhớ những giấc mơ của họ thường xuyên hơn và thường cảm thấy căng thẳng. Điều này có thể là do họ ngủ không sâu. Vì vậy, việc nhớ lại một giấc mơ sẽ dễ dàng hơn khi họ thức giấc từ giai đoạn ngủ ban đầu, chưa sâu giấc.
- Sự hạnh phúc: Những người trải qua căng thẳng và bất an hàng ngày có nhiều khả năng ghi nhớ giấc mơ.
Nội dung và bối cảnh thường gặp trong mơ
Nhân vật
Trong khoảng một nửa thời gian giấc mơ, chúng ta thường gặp những người mà mình quen biết. Bên cạnh đó, khoảng 16% thời gian, các hình ảnh tượng trưng sẽ có thể xuất hiện như bác sĩ, nhân viên của hàng… dù bạn không quen biết họ.
Ký ức
Việc mơ về những gì đã xảy ra trong quá khứ là điều khá phổ biến. Trong trí nhớ ngắn hạn, chúng ta có xu hướng xem lại những ký ức về những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó cũng như những gì đã xảy ra vào tuần trước. Điều này khiến chúng ta có giấc mơ liên quan đến những trải nghiệm đã từng có. Những ký ức dài hạn cũng có thể hình thành giấc mơ, mặc dù chúng thường không đầy đủ và rời rạc.
Chủ đề
Dù có sự khác biệt về nền văn hóa, giới tính hay tuổi tác, chúng ta thường trải qua những giấc mơ có chủ đề tương tự nhau như: bị đuổi bắt, đến muộn, rơi, bay, kinh nghiệm tình dục, không chuẩn bị cho kỳ thi hay trượt bài kiểm tra… Tổng cộng có 55 chủ đề xảy ra lặp đi lặp lại trong chúng ta. Mỗi chủ đề này gắn liền với các phần khác nhau trong tiềm thức của mỗi người, bao gồm ham muốn tình dục, hình ảnh bản thân và xung đột nội tâm.
Nỗi đau
Chúng ta thực sự có thể cảm thấy đau trong khi mơ. Tuy nhiên, giấc mơ này thường ít xuất hiện. Nếu bạn bị thương hoặc trải qua điều gì đó tổn thương trong cuộc sống thì xác suất bạn mơ về điều đó sẽ tăng lên.
Tự nhận thức
Trạng thái này thuộc về giấc mơ sáng suốt. Bạn có thể kiểm soát hành động, bối cảnh, diễn biến câu chuyện mà mình đang mơ.
Giác quan
Chúng ta có thể có cảm nhận về khứu giác, vị giác và âm thanh khi mơ nhưng điều này không phổ biến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị chứng đau nửa đầu sẽ thường có giấc mơ nếm và ngửi thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng thường có khả năng mơ về những bản nhạc và sáng tác chúng khi đang ngủ.
Các mối quan hệ
Giống như các chủ đề cuộc sống khác, bạn sẽ thường mơ thấy một mối quan hệ khi đang đặt nhiều sự quan tâm vào nó. Nếu bạn đang có xung đột hoặc bất an với đối tác bạn cũng có thể mơ về điều đó khi ngủ
Bay
Một số nhà khoa học tin rằng con người mơ thấy mình đang bay có thể là do tần suất di chuyển bằng máy bay đã tăng lên. Một số ý kiến cho rằng nó liên quan đến khát vọng tự do trong mỗi con người. Nếu bạn giấc mơ bay vào ban đêm, hãy tự hỏi bản thân có cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc sống hàng ngày và ước mình được tự do hơn hay không.
Cái chết
Đôi chi chúng ta mơ thấy cái chết, đặc biệt là của chính mình. Tuy nhiên, đây không phải là điềm báo tương lai mà chỉ là cách để tiềm thức cho bạn biết rằng sắp có một sự thay đổi đáng kể và bạn sắp bỏ lại quá khứ.
Rơi
Nếu cảm thấy quá tải, không an toàn hoặc không ổn định, bạn có thể mơ thấy mình đang rơi. Giấc mơ này thường có nghĩa là cuộc sống của bạn hoặc một khía cạnh nào đó đang nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Bài viết này đã tổng hợp những thông tin cần biết về giấc mơ mà chúng ta thường gặp. Hy vọng những kiến thức do Sleep.vn mang đến sẽ giúp bạn có một góc nhìn tổng quan hơn về giấc ngủ. Từ đó điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tâm lý để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Tham khảo: https://www.healthline.com/health/why-do-we-dream
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.