Tổng hợp các cách giúp trẻ ngủ riêng cha mẹ nên biết

Đến một độ tuổi nhất định, cha mẹ nên cho trẻ ra ngủ riêng để rèn luyện tính tự lập cho trẻ đồng thời giúp cha mẹ có điều kiện nghỉ ngơi tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có thể cho con ra ngủ riêng sớm theo ý muốn. Vậy làm cách nào để trẻ chấp thuận điều này? Tham khảo bài viết dưới đây và áp dụng khi cần thiết nhé!

Nên cho trẻ ngủ riêng khi nào?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nên cho trẻ ngủ riêng khi nào bởi điều này còn phụ thuộc vào cha mẹ và con cái. Các chuyên gia sức khỏe tại Hoa Kỳ khuyên cha mẹ nên ngủ cùng với con trong năm đầu tiên hoặc ít nhất là 6 tháng đầu đời, tuy nhiên họ lại không đưa ra số tuổi cụ thể để trẻ ra ngủ riêng phòng hoặc riêng giường.

khi nào nên cho trẻ ngủ riêng
Nhiều cha mẹ thắc mắc không biết khi nào nên cho trẻ ngủ riêng

Cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng cho trẻ ngủ riêng khi lên ba là thời gian phù hợp nhất vì lúc này trẻ đã biết đi. Bên cạnh đó, ba tuổi cũng là độ tuổi mà trẻ bắt đầu hiểu chuyện và có thể tự mình ngủ riêng.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng chấp nhận ngủ riêng khi lên ba, một số trẻ phải lớn hơn mới có thể ra ngủ riêng, một số trẻ lại có thể ngủ riêng giường và riêng phòng với bố mẹ chỉ từ khi mới 1 tuổi. Do đó, cha mẹ nên căn cứ vào việc trẻ có đồng ý ra ngủ riêng hay không để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Trẻ đã lớn nhưng vẫn ngủ chung giường với cha mẹ có tác động tiêu cực như thế nào?

Đối với nhiều gia đình, cha mẹ cho rằng trẻ từ 3-4 tuổi hoặc lớn hơn chọn ngủ chung giường, chung phòng với bố mẹ là điều bình thường, họ cho rằng khi trẻ lớn lên sẽ tự ra ngủ riêng mà không cần cha mẹ thuyết phục nhiều lần. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trẻ ngủ chung với cha mẹ khi đã lên 8 tuổi, thậm chí là 9-12 tuổi vẫn còn ngủ chung.

Khi trẻ đã lớn mà ngủ chung với bố mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả trẻ lẫn cha mẹ của chúng. Đa phần người lớn sẽ cảm giác không thoải mái, đặc biệt việc sinh hoạt vợ chồng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do trẻ đã lớn để và đủ nhận thức được chuyện gì xảy ra.

Trẻ đã lớn ngủ chung với cha mẹ
Trẻ đã lớn ngủ chung với cha mẹ có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ

Đối với một đứa trẻ, việc ngủ chung kéo dài có thể khiến cho trẻ không thể tự lập được. Bên cạnh đó, trẻ có thể bắt gặp cảnh bố mẹ thân mật cùng nhau, từ đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý, khiến trẻ bị ám ảnh. Bên cạnh đó, khi trẻ đã lớn, chúng nên có một không gian riêng để học tập, vui chơi, nghỉ ngơi một cách hiệu quả nhất.

Cách giúp trẻ ngủ riêng hiệu quả cha mẹ nên áp dụng

Chuẩn bị phòng ngủ cho bé

Điều bạn cần làm đầu tiên là chuẩn bị phòng ngủ theo đúng sở thích của bé, giúp bé hứng thú hơn với việc ngủ riêng. Nếu là bé gái, bạn có thể trang trí phòng ngủ với màu chủ đạo là màu hồng, sử dụng giấy dán tường hoặc những bức tranh ngộ nghỉnh để tăng thêm sự độc đáo cho phòng ngủ.

Với các bé trai, một chiếc giường hình ô tô, máy bay… sẽ khiến các bé thích thú hơn và muốn ngủ tại căn phòng đó hơn. Nên hạn chế để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến các bé khó ngủ hơn.

Bạn cũng nên chọn chăn, ga, gối, nệm, gấu bông phù hợp với sở thích của trẻ để tạo sự gắn kết giữa trẻ với chỗ ngủ của mình. Bên cạnh đó, những đồ dùng này cũng sẽ giúp cho trẻ an tâm và ngủ ngon giấc hơn.

Thuyết phục và giải thích cho trẻ hiểu

Trước khi cho trẻ ngủ riêng, cha mẹ cần nói rõ với trẻ, giải thích cho trẻ biết sự cần thiết khi cho trẻ ngủ riêng. Khi đã giải thích cho trẻ hiểu, trẻ sẽ dễ dàng hợp tác hơn so với việc bạn ép trẻ một cách cứng nhắc mà không để trẻ biết điều gì đang xảy ra.

nói chuyện với trẻ trước khi cho trẻ ngủ riêng
Giải thích, nói chuyện với trẻ trước khi cho trẻ ngủ riêng

Trước khi đi ngủ

Sau khi trẻ đã chấp nhận ngủ riêng, bạn cần tiếp tục xây dựng những thói quen tốt trước khi đi ngủ cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ tắm với tinh dầu thơm, vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đọc một cuốn truyện cho trẻ. Những hành động này giúp trẻ cảm thấy thích thú hơn và xem việc đi ngủ là một điều thú vị mà trẻ luôn mong đợi.

Sau khi tắt đèn

Sau khi tắt đèn, trẻ có thể quấy khóc, giận dữ trong vài đêm đầu tiên, thậm chí là vài tuần. Nếu điều này xảy ra, bạn nên cương quyết để không tạo tiền lệ cho trẻ, tránh tình trạng mủi lòng với trẻ mỗi khi nghe thấy tiếng khóc.

Bạn cũng nên quan tâm đến nỗi sợ hãi, sự lo lắng của trẻ và giải quyết chúng bằng những lời nói và hành động tích cực. Ví dụ, nếu trẻ khóc lóc vì sợ bóng tối hoặc không quen khi ngủ một mình, bạn hãy đảm bảo với trẻ là sẽ luôn có mặt mỗi khi trẻ thật sự cần, rằng bạn không hề bỏ mặc chúng. Bạn cũng có thể cân nhắc việc bật đèn ngủ để trẻ an tâm ngủ hơn.

Trấn an nỗi sợ hãi của trẻ
Trấn an nỗi sợ hãi của trẻ

Cha mẹ không nên quá vội vàng để gạt bỏ nỗi sợ hãi của trẻ. Trẻ con có rất nhiều nỗi sợ, kể cả những thứ không hiện hữu, nào là quái vật, sợ khủng long, sợ thứ gì đó có thể bất chợt chui ra từ gầm giường… bạn cần tìm hiểu xem trẻ sợ gì và có cách giải quyết phù hợp nhất. 

Bạn cũng có thể tìm cho trẻ một cây súng nhựa và trấn an trẻ bằng cách dặn chúng phải luôn đặt bên mình thứ đồ chơi này nhằm xua đuổi quái vật, điều này sẽ làm trẻ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Một số cha mẹ còn giáo dục trẻ không có sự tồn tại của quái vật để trẻ bớt sợ hãi hơn.

Bạn cũng có thể gặp phải trường hợp trẻ rời khỏi giường và vào phòng bạn lúc nửa đêm. Lúc này, bạn cần bình tĩnh, tránh nổi giận mà chỉ nhẹ nhàng đưa trẻ về phòng của mình. Hành động này nếu diễn ra nhiều lần, trẻ sẽ biết được mình cần ngủ riêng và dần chấp nhận.

Cho trẻ thích nghi dần

Đa phần trẻ không thể ngủ nếu thiếu bố mẹ, ông bà bên cạnh, do đó cần tạo cho trẻ không gian ngủ riêng để trẻ tập làm quen cho đến khi đã lớn. Ban đầu, trẻ sẽ giữ bạn ngủ bên cạnh, bạn có thể đồng ý và ngồi đó nói chuyện cùng trẻ, sau khi bé dần thiếp đi, bạn có thể di chuyển đến một vị trí khác xa hơn và lặng lẽ rời khỏi phòng. Việc này sẽ mất vài ngày hoặc lâu hơn nhưng được nhiều bậc cha mẹ cho là có hiệu quả cao.

Để ý con thường xuyên

Thời gian đầu trẻ mới ngủ riêng, cách khoảng 20-30 phút cha mẹ cần ghé qua phòng trẻ để xem trẻ đã ngủ chưa, tư thế nằm có sai không, trẻ có đắp chăn không… Việc thăm nom trẻ giúp cha mẹ yên tâm hơn và có thể điều chỉnh một số thói quen xấu của trẻ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Để ý con thường xuyên khi con ngủ riêng
Để ý con thường xuyên khi con ngủ riêng

Buổi sáng thức giấc

Vào buổi sáng, bạn nên phân tích, đánh giá xem con của mình đã thích nghi với thói quen ngủ riêng như thế nào. Nếu việc ngủ riêng không diễn ra suôn sẻ, bạn nên nhẹ nhàng nhắc nhở con về việc ngủ riêng và bắt đầu mọi thứ lại  từ đầu. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, bạn nên khích lệ trẻ, khen ngợi để trẻ có động lực mạnh mẽ hơn.

Tạo sự thoải mái và tích cực thể hiện tình cảm với trẻ

Đa phần thời gian trước khi đi ngủ là thời gian cha mẹ và con cái tâm sự, gắn kết tình cảm, do đó đây cũng là thời điểm các con dễ bám mẹ nhất và muốn kéo dài khoảng thời gian này suốt đêm.

Chính vì vậy, khi đưa con vào phòng ngủ riêng, cha mẹ không nên rời đi ngay mà nên nán lại để tâm sự với trẻ, âu yếm và tâm sự cùng trẻ, đọc sách cho trẻ nghe… Khi đang bên nhau, nếu trẻ buồn ngủ và ngủ thiếp đi bạn có thể rời giường rồi về phòng của mình.

Đọc sách cho trẻ trước khi ngủ
Đọc sách cho trẻ trước khi ngủ

Cho trẻ phần thưởng nếu trẻ làm tốt

Bạn có thể phát ngôi sao cho trẻ mỗi ngày hoặc phiếu bé ngoan nếu trẻ ngủ ngoan trong phòng của mình. Bạn cũng có thể đưa ra phần thưởng là một chuyến đi chơi công viên, sở thú nếu trẻ làm tốt, điều này sẽ giúp trẻ có động lực để ngủ riêng hơn.

Để giúp trẻ ngủ riêng, bạn cần trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài, không có sự nóng vội và cần phải kiên nhẫn. Sau một thời gian nhất định, bạn sẽ giúp trẻ ngủ riêng dễ dàng, giúp trẻ tự lập và cha mẹ cũng có không gian riêng tư của mình. Hy vọng những gợi ý trên đây sẽ phần nào hỗ trợ các bậc cha mẹ tạo thói quen giúp trẻ ngủ riêng hiệu quả.

Nguồn tham khảo: https://www.sleepadvisor.org/how-to-get-toddler-to-sleep-in-own-bed/

SubScribe

Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.