Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ là một hội chứng rối loạn giấc ngủ khá hiếm gặp ở con người. Mặc dù vậy, tình trạng này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, cùng với một số chứng rối loạn giấc ngủ khác, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Nghiêm trọng hơn là gây ra những tác hại lớn đến sức khỏe cho người bệnh. Trong bài viết dưới đây của Vua Nệm sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ hay viết tắt là PLMD một cách thật chi tiết nhé!
Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ là gì?
Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD: Periodic limb movement disorder) là một tình trạng mà tay chân người bệnh chuyển động lặp đi lặp lại trong khi đang ngủ, ảnh hưởng đến khoảng 4-11% dân số. Các chuyển động này sẽ gây gián đoạn giấc ngủ của một người, ngay cả khi người đó không thức dậy.
Trên thực tế, rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ thường xảy ra trong lúc ngủ. Do đó, người bệnh sẽ không thể nhận ra mình đang bị rối loạn giấc ngủ, mà phải nhờ người thân kể lại. Mặc dù vậy, họ có thể nhận thấy được một số triệu chứng gợi ý như thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm mà không có lý do hoặc cảm thấy mệt mỏi quá mức vào ban ngày.
Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ ảnh hưởng đến cả nam và nữ, ở bất kỳ độ tuổi nào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì những người mắc phải bệnh này có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, bệnh tim mạch hay đột quỵ về lâu dài.
Những nguyên nhân gây ra rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ
Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ có thể là nguyên phát (tự xuất hiện) hoặc thứ phát (do một bệnh lý khác tạo nên). Trong trường hợp bệnh lý này là nguyên phát thì các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân chính xác là do đâu. Trong đó, vẫn có 2 nguyên nhân tiềm ẩn, nhiều khả năng nhất đó là do thông tin sai lệch giữa các dây thần kinh đi dọc theo tủy sống và thiếu Dopamine.
Nếu rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ là thứ phát, thì tình trạng bệnh này có thể là bởi một số nguyên nhân như:
- Tiểu đường;
- Có khối u hoặc tổn thương tủy sống;
- Thiếu sắt;
- Tăng tiết niệu;
- Thiếu máu;
- Sử dụng cafein;
- Một số rối loạn giấc ngủ như hội chứng tay chân không yên, chứng ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ,…
- Hội chứng Willam hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý;
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc chống trầm cảm;
- Ngưng sử dụng thuốc an thần như barbiturat hay benzodiazepin.
Trên thực tế rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ thường bị nhầm lẫn với hội chứng chân không yên vì 2 tình trạng đều có liên quan đến các triệu chứng ở chân. Tuy nhiên, chúng không giống nhau, nên hướng điều trị cũng sẽ khác nhau. Trong khi hội chứng chân không yên xảy ra khi người bệnh còn thức thì rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ sẽ diễn ra trong lúc ngủ.
Không chỉ vậy, cảm giác vật lý mà 2 bệnh lý này mang lại cũng không giống nhau. Nếu ở hội chứng chân không yên, người bệnh thường cảm giác ngứa ran hoặc kiến bò. Thì với rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ, họ sẽ liên tục bị co giật ở tay chân mà không hề hay biết.
Một số triệu chứng của rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ
Một số triệu chứng điển hình của rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ đó là ngủ không ngon, buồn ngủ vào ban ngày và thường xuyên thức giấc vào ban đêm. Những đặc trưng dễ nhận ra nhất của bệnh lý này bao gồm:
- Một hoặc cả hai chân của người bệnh sẽ bị siết chặt, uốn cong hoặc tình trạng gập đầu gối, ngón chân cái hoặc mắt cá chân.
- Thường xảy ra ở nửa đầu của đêm, trong giấc ngủ không REM;
- Xảy ra khoảng 2 giây một lần và lặp lại cứ sau mỗi 5 – 90 giây, và lặp lại ít nhất 15 lần mỗi giờ.
Các triệu chứng của rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ có thể thay đổi bản chất ở mỗi đêm, từ nhẹ cho đến nặng. Đôi khi rối loạn này còn có liên quan đến cánh tay trên và phần hông.
Cách chẩn đoán rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ
Những người bị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ, đôi khi không thể nhận thấy ảnh hưởng của bệnh lý này đối với chất lượng giấc ngủ bản thân. Tuy nhiên trên thực tế, những người ngủ cùng với họ có thể bị gián đoạn giấc ngủ bởi những cử động bất thường trên. Do đó, những người mắc bệnh này thường chỉ tìm cách điều trị, sau khi nhận được những lời than phiền của người ngủ cùng.
Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ sẽ được chẩn đoán thông qua thử nghiệm đo đa ký giấc ngủ (polysomnography). Thử nghiệm này sẽ được thực hiện trong khi bạn đang ngủ, để ghi lại các thông số như sau:
- Sóng não
- Cử động mắt
- Chức năng của hệ thần kinh và cơ bắp trong lúc ngủ
- Nhịp tim
- Nồng độ oxy trong máu
- Huyết áp
Ngoài ra, khi đi khám, người bệnh sẽ được kiểm tra những vấn đề có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý trên như thiếu sắt hoặc tiểu đường. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử y tế cá nhân và gia đình, cũng như bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang dùng. Xét nghiệm nước tiểu, máu đôi khi cũng được chỉ định thực hiện để có được một chẩn đoán chính xác nhất.
Hướng dẫn điều trị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp nào có thể điều trị được bệnh rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ nếu là nguyên phát. Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp thường được sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng và giúp cải thiện giấc ngủ của người bệnh. Một số cách chữa trị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ nguyên phát hiệu quả như:
- Thay đổi lối sống: các triệu chứng của rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ từ nhẹ đến trung bình, có thể được giảm thiểu chỉ bằng việc thay đổi lối sống như bổ sung thêm sắt trong chế độ ăn uống hằng ngày, hay loại bỏ rượu, các chất kích thích,… Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thêm các bài tập thở sâu, yoga hoặc thiền, để việc điều trị mang đến hiệu quả nhanh chóng hơn.
- Sử dụng thuốc: nếu rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ trở nên nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ kê cho bạn một số loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng hoặc giúp người bệnh có được một giấc ngủ ngon hơn. Một số loại thuốc chuyên dùng để điều trị trong trường hợp này như Benzodiazepin, tác nhân Dopaminergic, Melatonin, Gabapentin hay chất chủ vận GABA. Mặc dù vậy, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, thì tốt hơn hết, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ của mình thật kỹ càng, trước khi sử dụng các loại thuốc trị rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ.
Nhìn chung rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ gây ra ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng cuộc sống mà còn là sức khỏe của người bệnh. Do đó, hy vọng những thông tin mà Sleep chia sẻ đã giúp bạn có thêm hiểu biết về trình trạng bệnh này, để từ đó có phương án giải quyết tốt nhất, bảo vệ sức khỏe bản thân một cách toàn diện.
Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/roi-loan-chuyen-dong-chan-tay-dinh-ky/
SubScribe
Subcribe ngay để nhận những thông tin bổ ích về sức khoẻ giấc ngủ và hàng ngàn ưu đãi mua nệm chăn ga gối mỗi ngày.